Người hàn gắn yêu thương

Hơn 7 năm nay, những người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi H đã quá thân quen với dáng người nhỏ bé, cùng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp của chị Đinh Kim Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên). Cứ gặp, nghe thấy giọng chị là họ lại cảm thấy ấm lòng, lạc quan và yêu cuộc sống hơn.

Để làm được điều đó theo chị Hạnh trước hết cần phải tạo được niềm tin đối với họ. Bởi những người nhiễm H thường có điểm chung là mất niềm tin, suy nghĩ tiêu cực, chán nản, phó thác cuộc đời cho số phận và giấu giếm bệnh tật của mình. Còn những người bị ảnh hưởng bởi H thường không muốn mọi người xung quanh biết đến hoàn cảnh gia đình mình. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động, chị đã gặp vô vàn khó khăn: tiếp cận khó, không nhận được sự chia sẻ, cộng tác, thậm chí còn bị họ mắng chửi. Phải mất gần 2 năm chị mới vận động được người đầu tiên cùng chị thuyết phục những chị em có người thân trong gia đình bị nhiễm H tham gia để thành lập CLB bộ “Phụ nữ đồng cảm” khu phố Hoà Bình của thị trấn (năm 2004) với 18 hội viên ban đầu do chị là chủ nhiệm. 2 năm sau, chị lại tiếp tục vận động thành lập nhóm “Hoa Thuỷ Tiên”, nay là CLB “Hoa Thuỷ Tiên”. Chị T.T.H, thành viên CLB “Hoa Thuỷ Tiên” tâm sự: “Khi biết mình bị nhiễm HIV, tôi chán nản và tuyệt vọng, nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả. Tôi xa lánh mọi người xung quanh và cản trở mẹ tôi tham gia và các hoạt động xã hội. Sau gần 2 năm được cô Hạnh động viên, chia sẻ và chăm sóc những lúc ốm đau, tôi hiểu ra được ý nghĩa của cuộc sống. Tôi đã mạnh dạn đứng ra thành lập nhóm “Hoa Thuỷ Tiên”; đến nay CLB đã có trên 70 thành viên tham gia sinh hoạt. Hiện tôi là người hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV của Phòng khám Life-Gap tại Bệnh viện Đa khoa Tiên Yên, mỗi năm tư vấn và hỗ trợ điều trị cho trên 150 đối tượng”.

Không dừng lại ở đó, năm 2008 tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, chị Hạnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông những kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, giảm kỳ thị và đối xử phân biệt với người có H tại các trường học và cộng đồng dân cư; thành lập nhóm chăm sóc những người có H tại nhà, mà chị là thành viên của nhóm. Đặc biệt là tổ chức các hoạt động hỗ trợ thân nhân người có H tiếp cận các nguồn vốn vay tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình...
Bằng sự chân tình, chị đã tạo được niềm tin, nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ những người nhiễm H và bị ảnh hưởng bởi H. Thậm chí có những người chưa được gặp chị lần nào, nhưng coi chị như một người bạn tri kỷ. Như trường hợp của chị T.T.N. ở xã Phong Dụ (Tiên Yên). Qua lời kể của người quen, chị Hạnh biết được chị N. đang ốm nặng nằm tại nhà, không uống thuốc điều trị, cũng không đi khám. Chị Hạnh đã gọi điện động viên tư vấn cách chăm sóc sức khoẻ, hướng dẫn cách điều trị và giới thiệu chị N. vào sinh hoạt tại CLB “Hoa Thuỷ Tiên”. Chị N. chia sẻ: “Lúc tôi ốm, thường xuyên nhận được điện thoại và tin nhắn của cô. Mặc dù lúc đó tôi chưa biết cô là ai, nhưng qua điện thoại nghe giọng cô rất ấm áp và chân tình, khiến tôi có cảm giác ấm lòng, từ đó có bất cứ chuyện gì tôi cũng tâm sự, chia sẻ với cô. Đến giờ tôi đã tìm được mái ấm riêng của mình và có 1 bé trai được 4 tháng tuổi”. Chị T.T.H., thị trấn Tiên Yên, cho biết: “Tôi chẳng biết nói thế nào để diễn tả hết những việc mà cô đã làm cho chúng tôi. Không kể thời gian, không quản ngại vất vả, bất kể lúc nào chúng tôi cần là cô có mặt động viên, chăm sóc, chia sẻ. Cô dành cho chúng tôi những tình cảm yêu thương như chính với người thân trong gia đình”.

Luôn ở bên khi cần, cảm thông và sẻ chia, vui khi thấy nụ cười của họ, đau thắt lòng khi chứng kiến những số phận kém may mắn từ giã cõi đời, chính từ sự cảm nhận đó, chị đã viết thành những câu chuyện cảm động và được Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam đăng tải trên tập san của dự án C4. Qua những câu chuyện ấy, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam đã mời chị tới các cuộc hội thảo về giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Chị Hạnh tâm sự: “Có thể giúp họ phấn chấn tinh thần, nhận được sự chia sẻ, được coi như người thân trong gia đình, làm cho mọi người hiểu và không phân biệt đối xử với người có H là tôi thấy rất vui. Tôi chỉ mong sao cho tất cả những người có H và những người bị ảnh hưởng bởi H có kiến thức để chăm sóc sức khoẻ, không bị kỳ thị và sống tích cực hơn, có niềm tin vào cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng”.

Chính vì mong muốn đó mà đến nay, mặc dù không còn sự hỗ trợ của các dự án, nhưng chị Hạnh vẫn miệt mài với việc chăm sóc những người nhiễm H, tích cực tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Chị đã và đang mang lại niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh, giúp họ trở thành người sống có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.


Tin liên quan
Tâm lý lứa tuổi học sinh THCS
PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ 6 ĐẾN 11 TUỔI
Tâm lý trẻ lên 6
Tâm lý trẻ 5 tuổi, những điều bố mẹ nên biết
Tâm lý trẻ em ở tuổi ấu nhi (1 đến 3 tuổi)
Các tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ
Các vấn đề về rối loạn lo âu
Các vấn đề về trầm cảm
Chậm phát triển trí tuệ là gì, phân loại và những khó khăn mà trẻ gặp phải khi chậm phát triển trí tuệ
Trầm cảm sau sinh: căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ