Một số nhiệm vụ trọng tâm sau 2 năm thực hiện Đề án 32

Đề án Phát triển nghề CTXH (Đề án 32) giai đoạn 2010- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/3/2010. Đến nay, sau hai năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đoàn thể, Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng trong việc trợ giúp những đối tượng yếu thế.

Những kết quả đạt được

Một là, đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về  công tác xã hội. Thực hiện Đề án 32, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan đã khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện như: Các thông tư quy định chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội, quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hưỡng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020.

Trên cơ sở đó, 100% các tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011-2015, củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Ngoài ra, Bộ Lao động- TBXH đã chỉ đạo hỗ trợ xây dựng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Tp. HCM, Long An, Đồng Nai, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hoá… Các địa phương đã thực hiện điều tra, rà soát số cán bộ, viên chức và nhân viên công tác xã hội để xây dựng kế hoạch đào tạo lại trong giai đoạn 2011-2015.

Hai là, về đào tạo cán bộ, nhân viên CTXH

Tính đến thời điểm này, đã có 11 trường cao đẳng và đại học thực hiện đào tạo lại  12.125 cán bộ trình độ đại học, 1.092 cán bộ trình độ cao đẳng và 4.524 cán bộ trình độ trung cấp công tác xã hội. Riêng năm 2011, ngân sách trung ương đã hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 19.000 người làm công tác xã hội. Ngoài ra, mỗi năm, có khoảng 2.500 cử nhân CTXH được đào tạo hệ chính quy, dài hạn đúng chuyên ngành. Năm 2012, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu đào tạo cho khoảng 80 thạc sỹ CTXH.

Bộ Lao động- TBXH cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ một số trường đại học nghiên cứu, biên soạn giáo trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghề CTXH để chuyển giao cho các cơ sở dạy nghề thiết lập chuyên ngành đào tạo CTXH. Theo đó, năm 2011, đã xây dựng chương trình, biên soạn bộ giáo trình đào tạo trung cấp công tác xã hội, gồm: Giáo trình mô đun công tác xã hội đối với người khuyết tật trình độ trung cấp nghề; xây dựng tài liệu công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người cao tuổi; giáo trình môn học công tác xã hội với trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai và tai nạn thương tích; giáo trình mô đun công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập học đường; giáo trình môn học công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoà nhập học đường; giáo trình mô đun đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người nhiễm HIV/AIDS; giáo trình mô đun công tác xã hội trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng tài liệu môn học công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp trẻ tự kỷ; xây dựng tài liệu môn học công tác xã hội trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ bại não.

Năm 2012, đã xây dựng chương trình, bộ giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề CTXH, gồm: Giáo trình công tác xã hội với người có và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; giáo trình quản trị  ngành công tác xã hội; giáo trình công tác xã hội với người nghèo; giáo trình công tác xã hội trong giáo dục mầm non và tiểu học; giáo trình công tác xã hội đối với  trẻ em và gia đình; giáo trình công tác xã hội trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình; công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Ba là, về công tác thông tin, tuyên truyền.

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về nghề CTXH, Bộ Lao động- TBXH đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2015; phối hợp với Bộ Y tế ban hành Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020; xây dựng và vận hành Website phát triển nghề công tác xã hội địa chỉhttp://congtacxahoi.molisa.gov.vn/ và ký kết hợp đồng với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, phát hành các phóng sự, ấn phẩm truyền thông phát triển nghề công tác xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ còn đẩy mạnh hợp tác nhằm vận động nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế như Dự án hợp tác hỗ trợ phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2014 với tổ chức Atlantic Philanthropies, UNICEF, Dự án hợp tác với tổ chức FHI về phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực cai nghiện. Hợp tác với UNICEF, UNHCR trong việc phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam. Dự án hợp tác với Tổ chức Dịch vụ Gia đình và Cộng đồng quốc tế (CFSI) “Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội cho đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương tại Việt Nam”.  Đối tượng đào tạo là lãnh đạo, quản lý của các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội và các Sở Lao động-Thương binh Xã hội, với số lượng 80 người/năm; đào tạo thạc sỹ công tác xã hội do Học viện châu Á cấp bằng. Ngoài ra, còn hợp tác với Học viện Xã hội châu Á phát triển đào tạo công tác xã hội tại Việt Nam.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 32 cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Do đó, để đạt được những mục tiêu mà đề án đã đề ra, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần lưu ý những vấn đề sau:

Đối với các Bộ, ngành có liên quan:

 Bộ Lao động- TBXH phối hợp với các Bộ, ngành ưu tiên nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghề CTXH. Cụ thể: nghiên cứu, xây dựng chính sách trợ giúp gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức CTXH; thông tư liên tịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; thông tư liên tịch hướng dẫn định mức và tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã và thông tư hướng dẫn chuyển xếp ngạch và xếp lương các ngạch viên chức CTXH…

Riêng Bộ Tư pháp và Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội xây dựng kế hoạch, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội, như: Bộ Luật lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.

 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các trường đại học phối hợp với UNICEF xây dựng, hoàn chỉnh giáo trình đào tạo và dạy nghề công tác xã hội trình độ trung cấp và cao đẳng; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội, đặc biệt xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề trong các cơ sở đào tạo nghề của các tỉnh, thành phố; nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu tập huấn cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc trực tiếp với đối tượng, gồm 23 Modul: Nhập môn CTXH; CTXH với cá nhân và gia đình; CTXH với nhóm; Quản lý trường hợp; Tham vấn tâm lý cơ bản; CTXH với người khuyết tật; CTXH với Chăm sóc sức khỏe tâm thần; CTXH với chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ và trẻ em; Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bóc lột và sao nhãng; CTXH với người nghèo; CTXH với người sống chung với HIV/AIDS; Công tác xã hội với nhóm dân tộc ít người; CTXH với đối tượng mại dâm; CTXH với nạn nhân và nhân chứng là trẻ em trong hệ thống tư pháp; Hỗ trợ cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp; Bạo lực gia đình; CTXH với người cao tuổi; CTXH với các vấn đề bạo lực gia đình; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Phát triển cộng đồng; Truyền thông và vận động xã hội. Đồng thời, chú trọng tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai đề án về tài chính cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội.

 Đối với các địa phương:

Tập trung triển khai xây dựng mô hình điểm Trung tâm công tác xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu lại các cơ sở bảo trợ xã hội theo hướng cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 11/2011/TTLT/BTC-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 32; Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp. Đặc biệt, chú trọng vào đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học tại chức công tác xã hội. Ngân sách trung ương hỗ trợ tập trung cho những địa phương triển khai đào tạo tại chức cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội; Hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh, thành phố thành lập bộ môn/khoa đào tạo công tác xã hội; Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về nghề công tác xã hội tại các địa phương./.

Ths.Nguyễn Văn Hồi

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội

                                                                                                 Trích: http://socialwork.vn


Tin liên quan
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ