Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - Tiếng nói người trong cuộc

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), 5 tháng đầu năm 2018, số vụ xâm hại tình dục đã lên đến con số 672 vụ/ 735 trẻ em. Trong đó, 572 vụ và 562 em bị xâm hại tình dục, 5 - 10% nạn nhân là nam giới.


Hành vi bạo lực tình dục (BLTD) thường được xác định với những đặc điểm sau: (1) Về hành vi, BLTD bao gồm bất kì hành vi tình dục, bất kì sự cố gắng thực hiện hành vi tình dục, bình luận, thúc đẩy không mong muốn về tình dục, hành vi buôn bán/ chuyên chở một người nhằm cưỡng ép người đó quan hệ tình dục; (2) Về chủ thể, BLTD có thể gây ra bởi bất cứ ai; (3) Về phạm vi, BLTD có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Vì những đặc điểm về giới và khiếm khuyết liên quan đến thể chất cũng như tinh thần, Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là những người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn BLTD. Đặc biệt, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị ít nhất 1 hình thức BLTD từ trước tới giờ, trong đó: 23,3% - 48,4% phụ nữ khuyết tật sợ hãi/khó chịu nhưng không dám làm gì/ im lặng trước các hành vi BLTD; 24% - 33,3% chọn cách xử lý là chống cự lại, kêu to và tránh đi/ bỏ chạy với những hành vi BLTD ở mức độ nghiêm trọng hơn liên quan đến cưỡng bức để thực hiện hành vi tình dục từ mức độ đụng chạm vào các bộ phận cơ thể của phụ nữ khuyết tật tới thực hiện hành vi quan hệ tình dục; 27% - 40% phụ nữ khuyết tật dù sợ hãi/ khó chịu nhưng không dám làm gì/im lặng hoặc đã phản đối, chống cự nhưng không làm gì được, bị bắt buộc phải làm theo. Đa phần, phụ nữ khuyết tật đều chia sẻ các hành vi từ lời nói đến hành động ép buộc quan hệ tình dục đã để lại các hậu quả tương đối nghiêm trọng như cảm thấy bị xúc phạm, coi thường, đầu óc luôn căng thẳng/ lo sợ, ảnh hưởng tới học tập/ làm việc không tập trung, luôn xấu hổ/mặc cảm/ không dám ra ngoài, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai… Chính vì thế, việc xây dựng một bộ công cụ pháp lý dành cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là người khuyết tật bị bạo lực và xâm hại tình dục là vô cùng bức thiết đối với thực trạng xã hội ngày nay.

 

Hình ảnh tại: Hội thảo công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - Tiếng nói người trong cuộc

Ngày 07/12/2018, tại Khách sạn Fortuna - Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Quỹ Dân số thế giới (UNFPA) đã tổ chức Hội thảo công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - Tiếng nói người trong cuộc với mục đích thúc đẩy cơ hội tiếp cận công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục nhằm đảm bảo nạn nhân được bảo vệ an toàn và được hỗ trợ, và người gây bạo lực bị xử lý nghiêm minh. Tham dự Hội thảo có 80 đại biểu đến từ các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương (Bộ Tư Pháp: Vụ Hành chính hình sự Cục trợ giúp pháp lý; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Vụ Gia đình; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Vụ Bình đẳng giới, Cục trẻ em Viện kiểm sát, Toà án,…); Đại diện các khối UN: UNICEF, UNFPA, UNWOMEN, UNODC, WHO, UNDP; Các đối tác phát triển: KOICA, DFAT, ADB, Sứ quán Hà Lan, Sứ quán Na Uy,… và đặc biệt là sự có mặt của một số nạn nhân/ gia đình nạn nhân.

 

Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu khai mạc hội thảo

Với mục tiêu tạo ra diễn đàn đối thoại giữa các bên liên quan về khoảng trống trong luật pháp, chính sách và thực tiễn về tiếp cận công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục. Đồng thời, chia sẻ sáng kiến truyền thông trực tuyến trong nâng cao nhận thức cộng đồng về “Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc”. Bà Vũ Thị Hường - Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, từ năm 2016 - T6/2018 Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước thực hiện TGPL cho gần 700 nạn nhân bạo lực gia đình và gần 800 nạn nhân bạo lực tình dục. Và theo báo cáo số 08a/BC-TANDTC ngày 23/3/2018 của TANDTC về công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2017, từ tháng 7/2008 - 9/2017 TAND đã giải quyết 1.220.163 vụ án ly hôn, trong đó: 1.050.687 vụ nguyên nhân bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi, ngoại tình… (chiếm 86,11% các vụ án ly hôn). Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều rào cản, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ việc về xâm hại tình dục, mong muốn tạo ra diễn đàn đối thoại giữa các bên liên quan về khoảng trống pháp luật, chính sách và thực tiễn về tiếp cận công lý cho nạn nhân bị bạo lực tình dục và dần hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. 

Qua tâm sự với nạn nhân, chúng tôi nhận thấy rằng trong tâm lý phản kháng của nạn nhân, điều họ mong muốn đầu tiên hoặc chí ít xuất phát đồng thời với nhu cầu đồng cảm, chạy chữa… là tố cáo kẻ bạo hành ra pháp luật. Và chính tâm lý e ngại, không chủ động khai báo và tìm kiếm sư giúp đỡ, hỗ trợ của tổ chức thực hiện TGPL, các tổ chức hành nghề luật sư đã khiến con đường đi tìm công lý cho nạn nhân BLTD, BLGĐ càng trở nên khó khăn hơn, khiến cho nạn nhân mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí tự tử. Chưa kể đến, một số cuộc xâm hại tình dục chỉ xảy ra vài phút, vụ nghiêm trọng lắm cũng không quá vài ngày. Nhưng để đưa ra ánh sáng công lý, rất nhiều người, nhiều cơ quan phải mất hàng tháng, hàng năm, nhờ vào may mắn với có được chút le lói của công lý.

Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, hệ thống pháp lý hiện nay còn có những khoảng trống. Các khái niệm như “giao cấu’, “quấy rối tình dục” không được định nghĩa là khó khăn gốc của mảng hệ thống pháp luật này. Bộ luật hình sự quy định về cuộc bạo lực nghiêm trọng như hiếp, cưỡng,  giao cấu, dâm ô, khiêu dâm. Nhưng còn có hàng trăm loại hành vi tấn công tình dục khác không được quy định. LS. Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ: “Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ từ những vụ án này cũng hết sức khó khăn. Khó khăn cũng đến từ tâm lý của các cơ quan áp dụng pháp luật như tâm lý lo ngại án oan, nên các cơ quan khối nội chính chọn giải pháp an toàn nên nhiều tội phạm nghiêm trọng bị bỏ lọt”.

Mảng vi phạm lớn cần xử lý hành chính gần như không có quy định. Chế tài hành chính chỉ có tiền phạt mà không có các hình phạt khác, thậm chí phạt tiền chỉ từ 100.000đ-300.000đ. Chế tài hình sự nghiêm khắc, chế tài dân sự thì không thỏa đáng khi mức bồi thường phát thấp và khó tính toán.Chế tài kỷ luật như khiển trách, khai trừ, miễn nhiệm… có phát huy tác dụng nhưng kẻ bạo hành lại có quá nhiều cách để né tránh hình thức kỷ luật này. Ngoài ra, năng lực, trình độ, kỹ năng của người thực hiện TGPL, người hoạt động xã hội còn hạn chế, đặc biệt là kỹ năng làm việc với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

 

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - GĐ. Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) điều hành phiên thứ nhất: Tiếng nói người trong cuộc

Bà Nguyễn Vũ Thu Hòa - Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng: “Vì liên quan đến thành tích, địa phương không cho thông tin về các vụ xâm hại tình dục, dư luận không biết, nhiều vụ việc bởi vậy mà không được đưa ra ánh sáng. Chúng tôi nhiều khi phải dùng mạng xã hội gây sức ép lên chính quyền”. Là tổ chức trực tiếp có các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, bà Hòa cho biết, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kỹ thuật, năng lực và cả các thiết chế.

Việc triển khai các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới như Đề án Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình Hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020 đã thể hiện những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền phụ nữ, giải quyết các biểu hiện của bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

Ảnh: Baner truyền thông mang thông điệp “Không đổ lỗi-Hãy đặt trách nhiệm đúng chỗ”

 

Ảnh: Các đại biểu tham dự hội thảo công lý cho nạn nhân BLTD

 

Đỗ Thị Lệ - Trung tâm CTXH Quảng Ninh

Tin liên quan
Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ huynh để hỗ trợ cho trẻ chậm nói
Những nhu cầu của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên hệ thống văn phòng Công tác Xã hội về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (RNTT) dựa vào cộng đồng và đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT năm 2018
Tập huấn cung cấp kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, kết nối cung cấp các dịch vụ và mô hình công tác xã hội trợ giúp trẻ em cho người nuôi dưỡng trẻ.
Tập huấn công tác tiếp nhận, điều phối, xử lý thông tin qua tổng đài 111
Lợi ích của việc điều hòa cảm giác đối với trẻ tự kỷ
Thực trạng và hướng đi cho trẻ tự kỷ tại Quảng Ninh
Tập huấn nghiệp vụ cho công chức, viên chức Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các đơn vị thuộc Bộ LĐ - TBXH
Thể lệ cuộc thi Viết về bình đẳng giới năm 2018
Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ