Trầm cảm - Căn bệnh đe dọa thế hệ trẻ ngày nay

Ở Việt Nam, thời gian gần đây, vấn đề về sức khỏe tâm thần và những hệ lụy xung quanh nó đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thành phần trong xã hội. Chúng ta đã cởi mở hơn trong việc thảo luận về tự tử hay trầm cảm. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc sức khỏe tinh thần đang dần được cải thiện, có rất ít người nhận được sự chăm sóc hay giúp đỡ y tế về sức khỏe tâm thần. Việc có quá nhiều người chưa có kiến thức hoặc đã có nhưng lựa chọn im lặng là nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này. Thật không may, lựa chọn không làm gì cả, hoặc việc không nhận ra bạn cần làm gì đều có thể dẫn tới những hậụ quả đau lòng. Theo nghiên cứu mới đây của Bộ LĐTBXH, UNICEF và Viện Phát triển hải ngoại, tỉ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8-29%, tùy theo địa phương và giới tính; tỉ lệ vị thành niên Việt Nam tự tử là 2,3%; vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên đang lan rộng và gia tăng.


Trầm cảm là một căn bệnh rất phổ biến. Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Cụ thể là học sinh, thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Trên thế giới có gần 300 triệu người mắc trầm cảm  nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.WHO dự báo, đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.

Tại Việt Nam, WHO ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số (số liệu 2015). Thiệt hại về kinh tế liên quan tới bệnh trầm cảm ở châu Âu năm 2016 lên tới trên 113 tỷ Euro, bao gồm những thiệt hại kinh tế trực tiếp và gián tiếp. Vậy trầm cảm là gì?

 

Ảnh minh họa

Giáo sư Tâm lý học Mike Gorkin (ĐH Florida, Hoa Kỳ) cho rằng, trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn bạn đến ý định tự tử. Trong các dạng trầm cảm, trầm cảm sau sinh là tình trạng rất phổ biến. 

PGS TS Trần Văn Cường- Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết nguyên do khó nhận biết do trong rối loạn trầm cảm có tới 13 thể, trong đó có nhiều thể biểu hiện ra ngoài giống hệt tâm thần phân liệt hay trùng lặp với các triệu chứng bệnh lý như tim mạch, gan, phổi, xương khớp... nên khám mãi không ra bệnh gốc.

Trầm cảm và các bệnh lý khác cũng có sự tương tác 2 chiều, trong đó trầm cảm là yếu tố nguy cơ khiến thời gian điều trị các bệnh nội khoa kéo dài hơn và bản thân những người mắc bệnh lý mãn tính cũng có tỉ lệ trầm cảm lớn hơn như bệnh parkinson có 51% bệnh nhân trầm cảm, tiếp đến là ung thư (42%), đái tháo đường (27%), tim mạch (21%), HIV (12%)...

TS.Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cũng cho biết: Nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe tâm thần cho trẻ do yếu tố nội sinh như di truyền, sinh non, bệnh hiểm nghèo (các bệnh rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn khí sắc, tự kỷ, rối loạn phát triển lan tỏa...) chiếm 10- 20%.Bên cạnh đó, các tổn thương, bệnh lý như: U não, chấn thương sọ não hoặc các rối loạn chuyển hóa hoạt động của não bộ (bệnh lý nội tiết, tim mạch, chuyển hóa…) cũng có thể gây ra chứng rối nhiễu tâm lý. Nhưng bên cạnh đó, còn rất nhiều nguyên nhân tiềm năng khác có thể tạo ra trầm cảm, và một trong số đó là thứ mà nhiều người đang cảm thấy sợ nhất: Cuộc sống thời hiện đại.

Xã hội ngày càng hiện đại, người trẻ càng ngập tràn trong một bể thông tin. Trong đó, có những thông tin vô tình tạo ra áp lực cho họ, khiến họ có nhu cầu phải trở thành một thứ gì đó phi thực tế và vượt quá khả năng của bản thân.

Người trẻ được xem những bức hình định hướng về ngoại hình, định hướng về những gì phải sở hữu, và định hướng về cách cư xử sao cho phù hợp với xã hội hiện đại. Nếu không chạm đến những chuẩn mực ấy, họ bắt đầu cảm thấy bản thân khác biệt theo chiều hướng tiêu cực. Họ trở nên lạc lõng, cảm thấy thất vọng vì bản thân, và dần dần dẫn đến trầm cảm.

Với những thế hệ còn đang đi học, trường lớp là một trong những nơi khiến họ gặp áp lực nhất. Bị bắt nạt, nỗi ám ảnh về điểm số, niềm khao khát xây dựng hình ảnh của bản thân... tất cả đều là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái bức bối, lo lắng và tuyệt vọng.

Còn với những người trẻ đến ngưỡng tuổi trưởng thành, những nguy cơ bủa vây họ còn lớn hơn. Ở một xã hội sống nhanh và gấp như thế này, hiện tượng người trẻ thất nghiệp không phải là hiếm.

Công việc không có, áp lực từ gia đình ập đến, tình cảm đôi lứa chưa chắc đã được đáp ứng... Mọi thứ đều có thể đánh quỵ tâm lý của một con người, khiến họ chẳng thể đứng vững được nữa.

Và thậm chí ngay cả khi đã có cho mình một công việc, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Nạn bắt nạt chốn công sở, bất mãn trong công việc, sự cạnh tranh cho cùng một vị trí, tâm lý kèn cựa, ghen tức lẫn nhau... đều tạo thành những áp lực không tên. Chưa kể, mạng xã hội và tâm lý "xấu che, tốt khoe" lúc này giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy.

Theo lời khuyên của TS tâm lý Khắc Hiếu, dưới góc độ nhà trường, anh rất mong nhà trường có những chương trình tư vấn tâm lý, tham vấn học đường, dạy các em những kỹ năng sống để biết giải toả áp lực, tháo gỡ stress và phòng ngừa trầm cảm. Đặc biệt, cần dạy các em biết nói lên chính kiến với cha mẹ, biết chia sẻ cảm xúc, đừng để quá căng như một chiếc bong bóng rồi bất ngờ phát nổ.

Khi gặp một người có dấu hiệu của việc bị trầm cảm, giúp đỡ họ là điều cần thiết. Trầm cảm là một căn bệnh có thể "chữa lành", nhưng cần phải làm càng sớm càng tốt. Giống như ung thư, trầm cảm càng nặng, việc hồi phục càng tốn thời gian, và thậm chí là không thể nữa.

Khi nhận ra một người bị trầm cảm, bạn có thể cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ. Nhưng hãy nhớ, cô đơn dẫn đến trầm cảm, và cô đơn thì không thể chữa lành bằng thuốc được. Liều thuốc phù hợp nhất cho họ là sự cởi mở, chia sẻ với những người xung quanh.

Để phòng bệnh hiệu quả, điều đầu tiên là người dân đặc biệt là ở vùng thành thị cần ý thức được những stress và sức ép trong công việc, gia đình và tài chính để từ đó tìm ra những biện pháp phù hợp với điều kiện thời gian và kinh tế của mình để cân bằng, tái tạo sức lao động của mình.

Việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm. Các biện pháp giảm stress tái tạo sức lao động có thể đơn giản là tập thể dục thể thao, tập yoga, gặp gỡ bạn bè, tập tĩnh tâm hoặc học một môn nghệ thuật mới (vẽ, âm nhạc…).

Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức và giảm định kiến của người dân về bệnh trầm cảm và các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm là rất quan trọng, để bệnh có thể được phát hiện sớm và điều trị sớm.

Đồng thời, nâng cao việc chẩn đoán, chất lượng khám chữa bệnh trong ngành Tâm thần và trị liệu tâm lý cũng như trang bị kiến thức về các rối loạn tâm lý tâm thần và các biện pháp trị liệu cho các bác sỹ kể cả các bác sỹ ở những chuyên ngành khác sẽ góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh trầm cảm từ đó giảm những hậu quả lâu dài do trầm cảm gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội. 

Trong điều trị trầm cảm, việc kết hợp giữa điều trị thuốc và trị liệu tâm lý là hiệu quả nhất.  

Bùi Thị Huyền - Trung tâm CTXH Quảng Ninh

Tin liên quan
Tọa đàm về Luật người khuyết tật, Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật cho các thành viên tham gia câu lạc bộ Người điếc Quảng Ninh.
Truyền thông nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí và các dịch vụ trợ giúp xã hội cho giáo viên, học sinh tại 40 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Khảo sát, đánh giá nhu cầu của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng.
Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - Tiếng nói người trong cuộc
Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ huynh để hỗ trợ cho trẻ chậm nói
Những nhu cầu của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên hệ thống văn phòng Công tác Xã hội về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (RNTT) dựa vào cộng đồng và đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT năm 2018
Tập huấn cung cấp kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, kết nối cung cấp các dịch vụ và mô hình công tác xã hội trợ giúp trẻ em cho người nuôi dưỡng trẻ.
Tập huấn công tác tiếp nhận, điều phối, xử lý thông tin qua tổng đài 111
Lợi ích của việc điều hòa cảm giác đối với trẻ tự kỷ
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ