Chung tay phòng chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình ở Việt Nam đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc. Đây là một dạng tệ nạn gây hậu quả ở nhiều mức độ và dạng thức khác nhau tác động đến đời sống gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và các cơ quan tư pháp. Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.


Một khi tế bào gia đình đã bị các tệ nạn xã hội xâm nhập vào thì tất yếu sẽ dẫn đến chuyện vợ chồng lục đục, kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Từ đó, những mâu thuẫn, xích mích giữa vợ với chồng trong gia đình sẽ nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt; đỉnh điểm của những hành vi này là tình trạng bạo hành.

 

Ảnh: sưu tầm

Theo Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau gần 9 năm áp dụng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tình trạng BLGĐ vẫn tồn tại trong xã hội. Điều đáng buồn là số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện vẫn tăng cao qua từng năm, trong đó, nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ, trẻ em và người già - những người yếu thế trong xã hội.

Trong tổng số 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện (từ năm 2011- 2015) cho thấy: Nạn nhân là phụ nữ (từ 16- 59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (74,24%); 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%); 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%). Thống kê cũng cho thấy, có khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết rằng cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực gồm: Thể xác, tình dục, tinh thần. Như vậy, bình quân mỗi năm lại xảy ra khoảng hơn 31.500 vụ BLGĐ với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Những năm gần đây cho thấy, cấp độ nguy hiểm của các vụ việc đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ; khoảng 2 - 3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến BLGĐ.

Điều đáng nói, tuy đây là vấn nạn đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề BLGĐ thường không biết phải làm gì; khoảng 25% các gia đình cho rằng BLGĐ là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vào vì sợ phiền hà, liên lụy.

Bên cạnh đó, ngay chính các nạn nhân là người trực tiếp phải chịu sự đánh đập, bạo hành cũng không dám lên tiếng tố cáo. Họ cứ nhẫn nhịn chịu đựng hết ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác cho đến lúc bị dồn vào đường cùng mới yếu ớt tìm cách phản kháng thì đã xảy ra với những hậu quả đáng tiếc.

Ảnh: sưu tầm

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS Khuất Thu Hồng lý giải: Cho dù nhận thức của người dân trong xã hội hiện nay đã gia tăng nhưng BLGĐ vẫn tiếp diễn là do chúng ta vẫn chưa thể xóa bỏ được hoàn toàn tư tưởng bất bình đẳng giới; nghĩa là đàn ông được quyền đàn áp phụ nữ - “dạy vợ”. Thậm chí, ngay chính các bà vợ nhiều khi cũng vẫn chấp nhận việc bị chồng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mà cắn răng chịu đựng, lâu dần thành tâm lý bị khuất phục. Đó là do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, người vợ bị đánh cũng chỉ muốn “đóng cửa bảo nhau” chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng” bởi “xấu chàng thì hổ ai”???

Hiện nay, nước ta đang có hàng chục Luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi BLGĐ như: Luật Phòng chống BLGĐ; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Hình sự… Tuy nhiên, để các Luật này đi được vào cuộc sống trong thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thêm vào đó, việc xử phạt các hành vi BLGĐ không nghiêm minh, đa số thường được hòa giải chứ chưa được giải quyết nghiêm chỉnh và dứt điểm Trong thực tế, nếu chỉ hòa giải thì sẽ không bao giờ dập tắt được bạo lực.

Có thể thấy, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, dù đã có một hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình nhưng những quy định này thực sự chưa đi vào cuộc sống, chưa đi sâu vào nhận thức của người dân, và quan trọng hơn là chưa làm thay đổi cơ bản tình hình bạo lực gia đình trong xã hội trong thời gian qua. 

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả như mong đợi thì trước hết cần phải xác định rõ khái niệm “bạo lực gia đình” đang được đề cập tới. Trong xã hội, quan niệm về bạo lực gia đình của người dân còn khá mơ hồ. Vì vậy, muốn định hướng hành vi trước tiên cần phải định hướng về nhận thức, phải quy định một cách rõ ràng và cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là bạo lực gia đình và cần phải phòng chống.

Việc thông tin, tuyên truyền phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo; không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình. 

Để công tác phòng, chống BLGĐ đạt kết quả như mong muốn, tới đây, các Ban, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền sâu rộng các chính sách, chương trình hành động, Luật Phòng, chống BLGĐ tới từng địa phương nhằm kịp thời ngăn chặn những mầm mống bạo lực; Đồng thời, bảo đảm an toàn sức khỏe, Nhà nước cần tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở cho các thành viên trong cộng đồng dân cư, trong đó  tập trung vào các đối tượng: người có hành vi bạo lực gia đình; nạn nhân bạo lực gia đình; người nghiện rượu, ma túy, đánh bạc; người chuẩn bị kết hôn. Nội dung tư vấn chủ yếu là cung cấp thông tin, kiến thức, pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình…

Trần Thanh Ngân HàTrung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh

Tin liên quan
Phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội
Vai trò của Công tác xã hội trong hoạt động hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Tư vấn, lồng ghép truyền thông về dịch vụ Công tác xã hội cho người nghi tham gia bán dâm, người bán dâm tại cộng đồng
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Kiểm tra, giám sát hoạt động của Hệ thống văn phòng Công tác xã hội các cấp
Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động
Trầm cảm - Căn bệnh đe dọa thế hệ trẻ ngày nay
Tọa đàm về Luật người khuyết tật, Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật cho các thành viên tham gia câu lạc bộ Người điếc Quảng Ninh.
Truyền thông nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí và các dịch vụ trợ giúp xã hội cho giáo viên, học sinh tại 40 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Khảo sát, đánh giá nhu cầu của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng.
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ