Báo động tình trạng bạo lực tinh thần với phụ nữ

Trong đời sống hôn nhân và gia đình, vấn đề sức khỏe tinh thần ở phụ nữ trong cuộc sống hiện đại được đề cao không kém gì sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực tinh thần ở phụ nữ đang ở mức báo động. Có một kiểu bạo hành đáng sợ không kém đánh đập đó là nạn nhân phải thường xuyên chịu đựng những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hay những câu nói thô thiển, thiếu tôn trọng từ người bạn đời; thậm chí có người còn chọn cách “không đối thoại” mỗi khi có mâu thuẫn, khúc mắc trong đời sống hôn nhân… Nhiều chuyên gia tâm lý phân tích, bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương tâm hồn, sức khỏe của nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Không khí căng thẳng, nặng nề, chì chiết nhau trong gia đình sẽ khiến tâm lý trẻ không ổn định, có thể gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.


Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế, hiện ở Việt Nam tỷ lệ bị bạo lực tinh thần đối với phụ nữ do chồng gây ra chiếm hơn 50%. Trong đó nông thôn cao hơn thành thị (56,2% so với 47,2%), dao động từ 42,4% tại Bắc Trung bộ, 52% tại Trung du và miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung, tới 70,1% tại Vùng Tây Nguyên.

 

Ảnh: sưu tầm

Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm/tâm lý. Đây là loại bạo lực khá phổ biến nhưng khó nhận dạng so với bạo lực thể chất. Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, bạo lực tinh thần nhiều khi còn tồn tại dưới nhiều dạng như đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý... gây nên sự phẫn uất, khủng hoảng ý thức và tâm sinh lý phụ nữ. Theo đánh giá của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ Hà Nội, bạo lực thể chất dễ phát hiện và ngăn chặn, nhất là khi pháp luật được tăng cường, trình độ dân trí tăng lên. Trong khi đó, bạo lực tinh thần lại khó phát hiện và xử lý vì không để lại "tang chứng, vật chứng" trên cơ thể nạn nhân, lại có chiều hướng gia tăng khi kinh tế - xã hội phát triển.

Thực tế, bạo lực tinh thần thường xảy ra ở các gia đình trí thức, kể cả những gia đình rất khá giả, cả hai vợ chồng đều là cán bộ có trình độ học thức cao. Nếu như ở nông thôn, bạo lực tinh thần chỉ giới hạn ở việc chửi mắng, lời lẽ xúc phạm, cấm đoán trong quan hệ xã hội và cộng đồng,… thì với phụ nữ ở tầng lớp tri thức thường còn phải đối mặt với tình trạng không có đối thoại, ức chế tâm lý, tổn thương tinh thần ở mức nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nạn nhân trong trường hợp này thường không muốn lên tiếng để tránh điều tiếng cho gia đình, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý.

Phụ nữ dù có hiểu rõ về bạo lực tinh thần nhưng dường như vẫn thường sống chung với nó, dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi phải chịu đựng bạo lực tinh thần, phụ nữ sẽ đối mặt với bệnh trầm cảm, bệnh mất ngủ mãn tính,... dẫn đến thể chất suy nhược, tổn hại không chỉ về tinh thần mà còn cả về thể chất.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống thì ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất một cách khoa học, sức khỏe tinh thần ở phụ nữ cũng cần phải được cải thiện. Vì thế, bản thân mỗi người phụ nữ, nếu vướng phải bạo lực tinh thần trong gia đình thì phải mạnh dạn tìm ra giải pháp để cải thiện tình hình, đồng thời phải tìm đến các chuyên viên tư vấn, thậm chí bác sỹ tâm lý và bác sỹ về tâm thần để có được sự hỗ trợ cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần cho bản thân.

Trung tâm Công tác Xã hội Quảng Ninh hiện nay đang cung cấp dịch vụ tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 tập trung tư vấn, tham vấn về các lĩnh vực: Chính sách bảo trợ xã hội, Tâm lý, Hôn nhân và gia đình, Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, chính sách pháp luật, … và tiếp nhận các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp (như nạn nhân của bạo lực gia đình; Nạn nhân bị xâm hại tình dục; Nạn nhân bị buôn bán; Nạn nhân bị cưỡng bức lao động; Nạn nhân bị ngược đãi). Ngoài ra, trong quý I/2019, Trung tâm sẽ triển khai Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và vận hành mô hình Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), UNFPA và MOLISA phối hợp, tài trợ. Theo đó, Koica mong đợi mô hình hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới sẽ được thành lập, mở rộng và thu hút công chúng quan tâm tới chủ đề bạo lực, xâm hại tình dục, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, sự lan toả sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn bạo lực đối với đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trần Thanh Ngân HàTrung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh

Tin liên quan
Kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
Làm thế nào để gần gũi với người khuyết tật?
Hội thảo tham vấn, xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam
Hội nghị công bố quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm Công tác Xã hội Quảng Ninh và ra mắt mô hình hoạt động dịch vụ
Chính sách và giải pháp việc làm cho lao động là người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Chung tay phòng chống bạo lực gia đình
Phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội
Vai trò của Công tác xã hội trong hoạt động hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Tư vấn, lồng ghép truyền thông về dịch vụ Công tác xã hội cho người nghi tham gia bán dâm, người bán dâm tại cộng đồng
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ