Nhìn lại các hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em làm trái pháp luật của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.


Công tác hỗ trợ, tìm kiếm việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng đối với học sinh Trường Giáo dưỡng nói riêng và người sau chấp hành án nói chung được triển khai từ năm 2010 với các nội dung: Liên lạc, kết nối với Trường Giáo dưỡng số 2 để đề nghị được phối hợp trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ đối với học sinh làm trái pháp luật có hộ khẩu tại Quảng Ninh đang học tập, tu dưỡng tại nhà trường. Hàng năm, nhân viên Công tác xã hội thường xuyên thực hiện từ 02 đến 03 đợt đến thăm, nắm bắt tình hình về số lượng; Những vấn đề các em đã gặp phải trước khi vào trường; Vấn đề các em đang gặp phải khi học tập tại trường và tâm tư, nguyện vọng của các em. Đồng thời, thực hiện hoạt động tư vấn, tham vấn, động viên các em yên tâm học tập, chấp hành tốt kỷ luật của nhà trường, sớm hoàn thành thời gian học tập, trở về với cộng đồng làm người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, nhân viên Công tác xã hội cũng đề nghị thầy cô tạo điều kiện để các em có điều kiện học tập tốt nhất và tạo điều kiện để gia đình đến gặp gỡ, động viên các em.

Đối với gia đình có con, em đang học trong Trường Giáo dưỡng, họ thường có tâm lý rất buồn và chán đối với trẻ; Một số gia đình còn thờ ơ, không thèm quan tâm, bỏ rơi trẻ… vì họ nghĩ tương lai của trẻ đã khép lại. Căn cứ vào thực trạng, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em đang học tập trong Trường Giáo dưỡng; Nhân viên Công tác xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã thực hiện các đợt vãng gia đối với gia đình có con em đang học tập tại trường để tư vấn, động viên gia đình giữ mối liên lạc với trẻ; Thường xuyên đến thăm để động viên trẻ và dành nhiều thời gian quan tâm để các em yên tâm học tập, sớm được gia trường trở về với cộng đồng.

 

Ảnh: Lãnh đạo Sở và nhân viên Công tác xã hội Trung tâm cùng địa phương, gia đình xây dựng kế hoạch trợ giúp đối với trẻ em lang thang và trẻ em làm trái pháp luật

Sau khi trẻ ra trường, Nhân viên Công tác xã hội đã chủ động liên hệ với nhà trường và gia đình trẻ để nắm bắt về thời gian, địa phương trẻ sẽ về để thực hiện các buổi vãng gia gặp gỡ các em và gia đình; Trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là những kiến thức hòa nhập cộng đồng và kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị của họ hàng, bà con lối xóm để vươn lên trong cuộc sống; Đồng thời, Nhân viên Công tác xã hội còn vận dụng đúng các quy trình trong hoạt động can thiệp, trợ giúp của nghề Công tác xã hội như: Nắm bắt về nhu cầu, nguyện vọng của trẻ; Đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu; Đánh giá những thiếu hụt và tài nguyên thực tế của trẻ để xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp riêng đối với từng trẻ; Trong đó, thể hiện rõ sự tham gia của: trẻ, gia đình trẻ, của nhân viên Công tác xã hội, chính quyền và các đoàn thể như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương... nhằm trợ giúp có hiện quả đối với từng em.

Nhìn lại, chúng ta thấy 95% số trẻ em có hộ khẩu tại Quảng Ninh sau khi học tập, tu dưỡng tại Trường Giáo dưỡng số 2 trở về địa phương được can thiệp, trợ giúp (khoảng 05% số trẻ còn lại sau khi ra trường được gia đình gửi đi học tập hoặc sống tại địa phương khác); Trên 70% số em ra trường được nhân viên Công tác xã hội, chính quyền và các đoàn thể như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương hỗ trợ đi học tiếp văn hóa, đi học nghề theo hình thức ‘Cầm tay, chỉ việc’ với các nghề như: Lái xe, cơ khí, nhôm kính, quảng cáo, trồng và lai tạo cây cảnh... Nhiều em đã có việc làm ổn định. Có em được địa phương và nơi công tác xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Số trẻ tái phạm con đường vi phạm pháp luật chỉ chiếm 07%.

Nhân viên Công tác xã hội còn thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm giảm bớt sự kỳ thị của cộng đồng đối với trẻ với việc lồng ghép với các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, in ấn tờ rơi, áp phích với nội dung tìm sự chung tay trợ giúp của cộng đồng đối với các em và in trên 1000 cuốn sách Xanh lại ước mơ viết về những câu chuyện, những con đường dẫn đến vấn đề lầm đường, lạc lối của các em nhằm truyền thông đối với lớp trẻ tránh khỏi sa vào vết xe của các anh/chị đi trước.

Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, cũng như các tỉnh khác, số trẻ em có hộ khẩu tại Quảng Ninh vi phạm pháp luật vào Trường giáo dưỡng số 2 ít dần, số trẻ này chủ yếu được quản lý tại địa phương. Nhân viên Công tác xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đúng các quy trình nhằm can thiệp, hỗ trợ đối với các em với đúng theo quy trình can thiệp, hỗ trợ đối với đối tượng của nghề Công tác xã hội nhằm quản lý có hiệu quả, giảm thiểu số trẻ em vi phạm và tái phạm con đường vi phạm pháp luật.

Từ những kết quả và kinh nghiệm qua 09 năm triển khai “Công tác hỗ trợ, tìm kiếm việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em làm trái pháp luật, nhân viên Công tác xã hội đã đúc kết một số kinh nghiệm như sau: Để làm tốt “Công tác hỗ trợ, tìm kiếm việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em làm trái pháp luật, Nhân viên Công tác xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phải phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự ủng hộ của Ban giám hiệu, cán bộ, chiến sỹ và các thầy cô trong Trường giáo dưỡng số 2 cùng cán bộ, chiến sỹ Công an các địa phương; chính quyền và các đoàn thể như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương trong tất cả các hoạt động. Ngoài sự hỗ trợ từ phía nhân viên Công tác xã hội, chính quyền và các đoàn thể thì sự chung tay phối hợp của gia đình cũng như nghị lực vươn lên của chính bản thân trẻ em làm trái pháp luật cũng chiếm một phần không nhỏ. Nhân viên Công tác xã hội chỉ là người phát hiện những tài nguyên, những nội lực có sẵn trong họ để xây dựng một kế hoạch hỗ trợ hợp lý. Mọi thành viên được đề cập trong kế hoạch đều phải  thực hiện, phối hợp với nhau nhịp nhàng thì vấn đề trợ giúp mới mang lại hiệu quả. Việc học nghề đối với trẻ em làm trái pháp luật không thể áp dụng theo hình thức học tập trung, học tại trường lớp vì mỗi người có điều kiện gia đình xã hội, kinh tế, mặt bằng riêng; Có kỹ năng và sở trường riêng; Có nguyện vọng và mong muốn riêng… Vì thế, hình thức học “Cầm tay, chỉ việc” được áp dụng đối với họ luôn mang lại hiệu quả cao; Học trực tiếp theo kiểu truyền nghề tại các cơ sở, thực hành trực tiếp, một thày một trò… là một giải pháp hữu hiệu.

Trần Văn Hương - Trung tâm CTXH Quảng Ninh

Tin liên quan
Quảng Yên làm tốt công tác hỗ trợ dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Đoàn Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Trung tâm Công tác xã hội.
Thông báo về việc tuyển dụng nhân viên tham gia dự án "Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2017 - 2022
Tập huấn nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng năm 2019
Tập huấn hướng dẫn phương pháp đánh giá, nhận biết trẻ rối loạn hành vi để can thiệp sớm cho phụ huynh bậc mầm non tại thành phố Hạ Long năm 2019
Doanh nghiệp sử dụng từ 30% lao động khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi
Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ
25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh: Những nỗ lực nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam
Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ