NGÔI NHÀ ÁNH DƯƠNG - nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh

Bạo lực giới - là bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở đối xử phân biệt giới hoặc giới tính. Nó bao gồm các hành động gây tác hại hoặc gây đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình dục, gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi này, sự cưỡng bức và tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau. Mặc dù phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực giới nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân chủ yếu.


          Bạo lực giới là một vấn đề phức tạp bắt nguồn từ những tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu bám rễ hàng ngàn đời nay trong nền văn hóa, vì thế không dễ dàng thay đổi. Bạo lực giới có phạm vi rộng hơn so với bạo lực gia đình và thể hiện ở nhiều hình thức, như bạo lực tình dục, cưỡng hiếp, mua bán phụ nữ, quấy rối tình dục tại trường học và nơi làm việc, hay tư tưởng trọng nam khinh nữ thể hiện qua các thực hành phá thai nhằm lựa chọn giới tính thai nhi. Nguyên nhân cơ bản của bạo lực giới là bất bình đẳng giới, cùng với các thái độ và tư tưởng cho rằng phụ nữ có thân phận thấp kém hơn so với nam giới, thiếu tôn trọng quyền của phụ nữ và tư tưởng luôn muốn kiểm soát cuộc sống của họ.

          Hơn thế nữa, bạo lực giới không chỉ xảy ra ở riêng một độ tuổi nào, mà có thể xảy ra trong suốt cuộc đời một con người, từ khi chưa được sinh ra (dưới hình thức nạo phá thai lựa chọn giới tính) cho tới khi chết (ví như trường hợp bị giết hại để chiếm đoạt của hồi môn hay để bồi thường danh dự). Bạo lực giới cũng có thể xảy ra ở trong mọi bối cảnh, như trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc nơi công cộng, hay trong xã hội. Bạo lực giới có thể gây ra bởi bạn tình, các thành viên trong gia đình, người quen, người xa lạ, đồng nghiệp, người có quyền lực cũng như bởi cộng đồng hay cơ quan Nhà nước (UNFPA, 2005).

          Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái lan truyền trên mạng xã hội làm dậy sóng dư luận. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái  đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây phẫn nộ trong xã hội. Đây là hành vi vi phạm quyền con người và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện cả ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, hầu hết những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục, không hoặc chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ mà họ cần.

          Theo nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA tại Việt Nam thực hiện năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình (gồm bạo lực: tình dục, thể chất, tinh thần, tài chính) vào một thời điểm nào đó trong đời. Khoảng 50% nạn nhân bị bạo lực không chia sẻ câu chuyện mà họ phải chịu đựng. Còn theo một báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ năm 2012 đến hết 2017, cả nước xảy ra trên 139.000 vụ bạo lực trên cơ sở giới. Nạn nhân của các vụ bạo hành phần lớn là phụ nữ và trẻ em, những người thuộc nhóm yếu thế, cần được bảo vệ.

          Không biết đi đâu, về đâu, âm thầm chịu đựng nỗi đau bạo hành trong suốt thời gian dài. Những người phụ nữ như thế này đang rất cần những dịch vụ xã hội được cung cấp, hỗ trợ kịp thời. Việc cung cấp các dịch vụ xã hội có chất lượng là một thành tố cơ bản trong các biện pháp ứng phó đa ngành hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng bị bạo lực giới. Bởi, các dịch vụ xã hội đóng vai trò không thể thiếu trong việc giúp phụ nữ phục hồi sau khi bị bạo lực, tăng quyền năng cho họ và ngăn ngừa bạo lực tái diễn, và trong một số trường hợp, các dịch vụ này còn kết hợp cùng với các cấu phần cụ thể khác của xã hội hoặc cộng đồng làm thay đổi thái độ và quan niệm về bạo lực.

         Để giải quyết thực trạng trên, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về bạo lực giới, bạo lực gia đình, mua bán người, trong đó quy định các quyền cơ bản cho nạn giúp an toàn và hồi phục, (Hai luật quan trọng nhất trong khung pháp lý phòng chống bạo lực giới tại Việt Nam là Luật Bình đẳng giới (2006) và Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình (2007), đặc biệt trong đó là thí điểm các mô hình dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới. Bước đầu, tại Việt Nam đã và đang thí điểm một số mô hình, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới, điển hình như Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới”  và Quảng Ninh - là tỉnh đầu tiên được lựa chọn triển khai thí điểm dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh”  thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (sau đây gọi là “Ngôi nhà Ánh Dương”).

          Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp cùng đối tác là Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam thực hiện. Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 với tổng kinh phí là 2.560.000 USD;  trong đó, 2.500.000 USD là từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc. Dự án có mục tiêu chính là nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thông qua việc xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam với ba mục tiêu cụ thể: Một là, xây dựng mô hình Trung tâm can thiệp bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là nạn nhân của bạo lực tình dục tại Quảng Ninh, Việt Nam; Hai là, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới; Ba là, nâng cao nhận thức về ngăn ngừa của bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, tại nơi công cộng và nơi làm việc thông qua các chiến dịch tại địa phương.

          “Ngôi nhà Ánh Dương” là hợp phần nằm trong dự án nêu trên, thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh và do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Được thành lập với mục tiêu phát hiện, ngăn chặn và trợ giúp kịp thời cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục; Tăng cường sự tham gia, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc hỗ trợ nạn nhân giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục; Đồng thời nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh.

           Dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Vụ Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH Quảng Ninh và sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Quỹ dân số Liên hợp quốc, “Ngôi nhà Ánh Dương” đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tại đây, phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục sẽ được tạm lánh an toàn; hỗ trợ chăm sóc y tế ban đầu; thực hiện tham vấn và hỗ trợ trị liệu tâm lý; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tư pháp thiết yếu; trang bị kỹ năng sống; kết nối dạy nghề và tạo việc làm; kết nối chuyển tuyến để giải quyết vấn đề… Các dịch vụ được cung cấp hoàn toàn miễn phí và dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng, đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin.

          Có thể nói “Ngôi nhà Ánh Dương” là mô hình dịch vụ liên ngành một đầu mối, mang lại sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời và có chất lượng. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy tại Quảng Ninh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực, hoạt động tại Ngôi nhà Ánh Dương sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011 - 2020.

 

          Sứ mệnh của “Ngôi nhà Ánh Dương” nhằm kêu gọi các nạn nhân lên tiếng và tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực, xâm hại tình dục và hành động để người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.

          Nếu bạn bị bạo lực, đó chắc chắn không phải là lỗi của bạn. Bạn không đơn độc, hãy gọi cho “Ngôi Nhà Ánh Dương” qua đường dây nóng miễn phí 18001769 để được tư vấn, trợ giúp và thoát khỏi hành vi bạo lực NGAY BÂY GIỜ.

 

Đỗ Thị Lệ - Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh

Một số hình ảnh tại Ngôi nhà Ánh Dương

 

Tin liên quan
Khai trương “Ngôi nhà Ánh Dương” - địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tỉnh Quảng Ninh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ CHUNG
Chi đoàn Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh hưởng ứng Tháng Thanh niên 2020 tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”
Đại hội Chi bộ Trung tâm Công tác xã hội Tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2022
Khuyến cáo phòng chống bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi-rút Corona tại nơi làm việc
Thông báo tuyển dụng nhân viên tham gia dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Các kênh thông tin cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch bệnh virus nCoV
Tăng cường các biện pháp mạnh, khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)
Phối hợp tuyên truyền 10 sự kiện tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2019
Truyền thông nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần và rối nhiễu tâm trí cho giáo viên, học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn Huyện Đầm Hà, Tiên Yên và Thành phố Cẩm Phả
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ