Bạo lực đối với phụ nữ - Những con số đáng báo động

Trong xã hội hiện đại ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Sự tác động bởi nền kinh tế thị trường mang đến cho chúng ta nhiều hệ lụy nghiêm trọng như sự gia tăng các tệ nạn xã hội và những vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Và, bạo lực đối với phụ nữ chính là một trong nhiều vấn đề được xã hội quan tâm. Nguyên nhân sâu xa của bạo lực đối với phụ nữ là do bất bình đẳng giới, những tác động tiêu cực của bạo lực đối với chính nạn nhân, gia đình và cộng đồng là vô cùng to lớn, nó gây ra những tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, những tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, như mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm HIV… Do đó, việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực đối với phụ nữ không chỉ là mối quan tâm của riêng Việt Nam mà cả các quốc gia trên thế giới.


          Bạo lực đối với phụ nữ, còn được gọi là bạo lực trên cơ sở giới được hiểu là bất kỳ hành động bạo lực trên cơ sở giới dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại hoặc đau đớn về mặt thể xác, tình dục hoặc tâm lý cho phụ nữ (Liên hợp quốc, 1993). Bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề mang tính toàn cầu. Tại nhiều diễn đàn quốc tế, bạo lực đối với phụ nữ được Chính phủ các nước ghi nhận như một sự vi phạm nhân phẩm con người, vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Công ước (CEDAW) là một công ước quốc tế được Đại hội đồng liên hợp quốc thông qua năm 1979, được mô tả như một dự luật về quyền của phụ nữ, công ước có hiệu lực từ ngày 3 tháng 9 năm 1981 và đã được 189 quốc gia phê chuẩn. Trong đó Việt Nam là một trong số các quốc gia có cam kết mạnh mẽ và sớm phê chuẩn công ước này.

 

Ảnh minh họa

          Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, do Tổng cục Thống kê thực hiện theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên hợp quốc cho thấy: Cứ 04 phụ nữ thì có hơn 01 phụ nữ bị bạo lực thể xác do chồng hiện tại hoặc chồng cũ gây ra trong đời; 08 phụ nữ thì có 01 phụ nữ bị chồng hiện tại hoặc chồng cũ bạo lực tình dục trong đời; 05 phụ nữ thì có 01 phụ nữ bị bạo lực kinh tế; 04 phụ nữ thì có 01 phụ nữ bị thương tích do chồng bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục; 10 phụ nữ thì có hơn 01 phụ nữ (11%) bị người khác không phải là chồng bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi và tỷ lệ bạo lực hiện thời là 1.4%; 10 phụ nữ thì có gần 01 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác không phải là chồng gây ra tư năm 15 tuổi và tỷ lệ bạo lực hiện thời là 1.2%; 4% phụ nữ cho biết họ đã bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ trước 15 tuổi; Phụ nữ khuyết tật phải chịu các hình thức bạo lực do chồng gây ra (bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý và bạo lực kinh tế) cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật; 3% phụ nữ đã từng mang thai cho biết họ đã bị đánh khi mang thai. Hầu hết họ bị đánh bởi chính cha của đứa bé trong bụng mình. Gần một phần năm (18%) phụ nữ bị đánh trong thời kỳ mang thai cho biết họ đã bị đá hoặc đấm vào bụng, gây nguy hại cho thai nhi…

          Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ thường xuyên phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần và thể chất. Tuy nhiên trong cuộc sống, những người phụ nữ bị bạo lực gia đình rất hiếm khi được nhận biết, giúp đỡ do bị che phủ bởi những phong tục truyền thống mang tính văn hóa, những quy tắc chuẩn mực, những tiêu chuẩn đạo đức và hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Tất cả những điều này đã làm cho bạo lực đối với những người phụ nữ trở nên “bình thường”. Do đó, mặc dù trên cơ sở pháp lý, phụ nữ được bảo vệ bởi hệ thống luật pháp như: Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình và những chính sách liên quan nhằm khuyến khích bình đẳng giới và giải quyết tình trạng bạo lực gia đình, nhưng trên thực tế, vị thế của phụ nữ vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn nam giới, và điều này ít nhiều góp phần tác động làm gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.

          Tại Việt Nam hiện nay, các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ cũng đã được áp dụng trong các mô hình và mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên khả năng đáp ứng việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ của các mô hình vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Nhiều phụ nữ bị bạo lực giới vẫn chưa được tiếp cận, tiếp nhận và can thiệp hỗ trợ một cách kịp thời, chuyên nghiệp và hiệu quả.

           Ở Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19 vấn đề bạo lực đối với phụ nữ có xu hướng gia tăng, bằng chứng được đánh giá thông qua việc tăng các cuộc gọi cần tư vấn, can thiệp, hỗ trợ tại tổng đài tư vấn miễn phí 18001769. Trong bối cảnh đó, việc hình thành và đưa Ngôi nhà Ánh Dương hoạt động từ tháng 4/2020, đã góp phần đáp ứng mục tiêu cung cấp kịp thời các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và trợ giúp hiệu quả cho phụ nữ bị bạo lực giới trên địa bàn.

 

Ảnh Văn phòng Ngôi nhà Ánh Dương

           Đỗ Thị Lệ - Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh

 

Tin liên quan
Phổ biến Luật Phòng chống tham nhũng 2018 tại Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh làm việc với đoàn đại biểu tham gia “Hội thảo chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến về Khảo sát đầu kỳ và Chiến lược hỗ trợ lấy đối tượng đích làm trung tâm
Tập huấn cho Hướng dẫn viên nguồn chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời
Một số Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội do Trung tâm Công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ có hiệu quả đối với các đối tượng yếu thế tại cộng đồng
Họp Ban liên lạc hưu trí ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh
Hưởng ứng Tết thiếu nhi cùng Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh
Hiệu quả trong công tác hỗ trợ dạy nghề và hướng nghiệp cho người Điếc tại Quảng Ninh
NGÔI NHÀ ÁNH DƯƠNG - nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh
Khai trương “Ngôi nhà Ánh Dương” - địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tỉnh Quảng Ninh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ CHUNG
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ