Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.


Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu từ cuối năm 2019 đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Thống kê của Trung ương Hội LHPN Việt Nam năm 2020 cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Cùng với đó theo khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam năm 2019, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian giãn cách xã hội. Ước tính bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam gây thiệt hại 1.8% GDP của nền kinh tế quốc gia. Tính trung bình, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục mất khoảng 26% thu nhập hàng năm của họ cho các khoản chi phí liên quan đến bạo lực (Theo kết quả của Viện Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019),

Các báo cáo gần đây liên quan Covid-19 đã chỉ ra rằng, những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế - xã hội hiện tại đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Trong đại dịch Covid-19, các trường học đóng cửa và các biện pháp cách ly xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt nhiều nguy cơ và rủi ro, đe dọa sự an toàn của trẻ em, cũng như quyền được phát triển và học tập trong một môi trường an toàn và được bảo vệ không bị nguy hiểm. Đối với những vụ bạo hành gia đình, trong đó hành vi hành hung vợ được thực hiện trước mặt con trẻ thì sẽ để lại những hậu quả hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp các cháu nhỏ đã không chịu được thực tế bố hành hung mẹ đã bỏ nhà đi lang thang và bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hành vi phạm pháp.

  

Ảnh minh hoạ

Trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm giải quyết các tác động tiêu cực đến đời sống người dân trong và sau đại dịch bằng các chính sách an sinh xã hội cấp bách. Những hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tai nạn thương tích đối với trẻ em cũng được thực hiện ứng phó kịp thời trong thời gian trẻ em giãn cách xã hội tại gia đình hoặc tại các cơ sở cách ly tập trung.

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo lực gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ. Để ngăn chặn những vụ việc bạo lực gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống bạo lực gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Trong đó, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc bạo lực gia đình theo các quy định của pháp luật để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe nhằm chung tay phòng, chống tình trạng bạo hành gia đình. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO đã nhận định: “Không như đại dịch COVID-19, nạn bạo lực phụ nữ không thể bị ngăn chặn bởi vaccine… Chúng ta chỉ có thể chiến đấu với nạn bạo lực bằng những nỗ lực bền vững từ các chính phủ, cộng đồng và các cá nhân, nhằm thay đổi những tư duy không phù hợp, cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội và dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau”.

Để khắc phục tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan gồm các Trung tâm Công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ cơ giới tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và các dịch vụ của Trung tâm trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; đảm bảo ứng trực đường dây nóng 24/7 để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết; khi phát hiện những vụ việc bạo lực cần phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật; khi có nạn nhân trực tiếp đến Trung tâm thì cần phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương (Công an, Y tế, Hội Phụ nữ,…) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên Đài truyền hình (VTV1), Đài phát thanh (VOV2) và các báo điện tử … để nâng cao nhận thức về nguy cơ gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19. 

Tại Quảng Ninh, trên cơ sở nguồn lực sẵn có, kết hợp với các dịch vụ xã hội đang được cung cấp tại Trung tâm Công tác xã hội, mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” - địa chỉ tạm lánh an toàn cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới cùng với tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 được sử dụng để tiếp nhận thông tin, tư vấn qua điện thoại, sẽ là địa chỉ tin cậy, hỗ trợ cho những nạn nhân bị bạo lực giới nói riêng và lan tỏa tới cộng đồng nói chung, góp phần xóa bỏ bạo lực giới, định kiến giới hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước và mọi người dân trong cộng đồng, tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ sớm được đẩy lùi.

 

Ảnh: mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” - địa chỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh QN

Một số địa chỉ, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình:

 

- Tổng đài quốc gia 111, gọi đến hotline 111 hoặc thông báo qua ứng dụng “Tổng đài 111” (Tìm kiếm và cài đặt ứng dụng “Tổng đài 111” tại kho App Store đối với hệ điều hành IOS hoặc Play store với hệ điều hành Android).

- Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), địa chỉ: số 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, làng Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline tư vấn miễn phí: 024 3333 55 99.

- Hagar Việt Nam, địa chỉ 152 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội; số điện thoại: 094.311.1967.

- Ngôi nhà Bình Yên (Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới miễn phí) hỗ trợ nạn nhân 24/7. Tổng đài 1900969680/ 0946833380.

- Ngôi nhà Ánh Dương - địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh. Tổng đài tư vấn miễn phí: 18001769./.

Trần Thanh Ngân Hà - Trung tâm CTXH Quảng Ninh

Tin liên quan
Chi bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra thăm quân và Nhân dân đảo Cô Tô (09/5/1961 - 09/5/2021)
Tập huấn cung cấp dịch vụ tư pháp cho người bị bạo lực trên cơ sở giới (lớp thứ 2)
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thực hiện tư vấn, trợ giúp đối tượng yếu thế tại cộng đồng năm 2021
Truyền thông, nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh tại trường THCS Việt Hưng.
Đoàn công tác Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thăm và làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Đoàn công tác Sở Lao động - TB&XH làm việc, khảo sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn thị xã Đông Triều
Đoàn công tác Sở Lao động - TB&XH làm việc, khảo sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện Ba Chẽ
Tập huấn cung cấp dịch vụ hành pháp trợ giúp nạn nhân bạo lực giới
Hội thảo tham vấn hoàn thiện tài liệu về Quy trình quản lý trường hợp với người bị bạo lực giới
Chi đoàn TN Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức sinh hoạt chi đoàn nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021)
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ