Như vậy là bao hàm cả khí huyết và âm dương. Can khí và can dương lúc bình thường là một loại tiềm năng làm cho tạng can luôn thăng phát, điều sướng nên thường gọi là “dụng”. Khi phát bệnh thì tà khí nghịch, dương cang, thường gọi là chứng can khí, chứng can dương. Triệu chứng lâm sàng biểu hiện: Mệt mỏi, uất chứng, đàm khiếp, đau đầu tê dại, chân tay lạnh… Đó là can khí hư, can dương hư”. Lại nói: Can dương hư thì sinh hàn, hàn thì dưới sườn căng trướng, sốt rét, bụng đầy, không muốn ăn uống, mệt mỏi, không vui, luôn có cảm giác sợ hãi, nhìn mọi vật không rõ, mắt thường tối sầm, miệng đắng, đau đầu, các khớp xương co duỗi khó khăn, gân mạch co rút, móng tay, móng chân khô giòn, hay lo sợ, hay thở dài, mạch trầm hoạt”.
Nguyên nhân bệnh: Chứng can dương hư là do can khí hư phát triển thành bệnh. Dương hư sinh hàn, công năng của can giảm sút. Bệnh phát sinh phần nhiều do sống trong hoàn cảnh luôn sợ hãi hoặc bị uất ức lâu ngày, làm dương khí của can lắng xuống, do trúng hàn tà, không được điều trị kịp thời làm tổn hao dương khí mà sinh bệnh, do lao động quá sức, sinh hoạt tình dục quá độ làm khí và tinh ra hết mà sinh bệnh hoặc do phú bẩm nguyên dương bất túc, lại gặp hàn lạnh làm tổn thương. Chứng can dương hư thường gặp trong các bệnh: Kinh khủng, hoảng sợ, dương nuy, giải tình, hao tổn…
Triệu chứng: Chứng can dương hư trên lâm sàng thường xuất hiện các triệu chứng: Tình chí u uất, rầu rĩ không vui, hay sợ hãi, mắt tối sầm nhìn mọi vật không rõ, người lạnh, sợ lạnh, hạ sườn bên phải đau tức, tay chân lạnh, đầu mình tê dại, mặt tái xanh, móng tay, móng chân nhợt mà khô, gân bị co rút, tay nắm đồ vật khó khăn, lãnh cảm với tình dục hoặc phòng sự không bền, tinh hoàn lạnh, bộ phận sinh dục ẩm ướt có khi teo lại. Đối với phụ nữ thì bụng dưới lạnh đau, kinh nguyệt kéo dài hoặc ra nhỏ giọt không dứt, đới hạ trong mà lạnh, bào cung lạnh nên không thể thụ thai, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm hoặc huyền trì, mạch tả quan trầm nhược.
Cơ chế bệnh: Do can chứa hồn, khi can dương hư thì hồn không yên, làm cho thần bị kích động, xuất hiện kinh sợ. Trong Đông y đởm (túi mật) có quan hệ biểu lí với can, khi can hư thì đởm khiếp, sinh ra khủng. Do đó khi can dương hư thì xuất hiện chứng KINH và KHỦNG. Kinh khí vốn vào tâm nhưng thường làm tổn thương can và đởm. Sách Linh khu nói: “Phương Đông sắc xanh thông vào tạng can, khi phát bệnh thì bệnh nhân thường kinh hãi”. Điều trị phải bồi bổ nguyên khí để làm can đởm mạnh lên trấn an tâm thần, nếu bệnh nhân quá sợ hãi phải dùng thêm thuốc bổ thận điều trị, vì thận chủ chí. Can chứa huyết, tàng hồn, khi can khí hư thì khùng, can khí thực thì nộ, can mắc bệnh thì đau lan tỏa xuống bụng dưới, khiến người ta hay giận dữ, can khí hư thì mắt bị mờ không thấy, vì mắt sáng là nhờ tinh hoa của can đưa lên, tai ù không nghe được, hay sợ sệt, luôn có cảm giác như sắp bị người khác bắt. Như vậy khi can dương hư thì thường xuất hiện chứng khùng. Khùng thì hại thận, thận khái khiếu ở tai, thận tổn thương ảnh hưởng đến tai nên không nghe được. Đây là những chứng trạng chủ yếu để điều trị chứng kinh khùng do can dương hư. Khi điều trị ngoài bồi bổ nguyên khí của can đởm cần kết hợp dùng thuốc bổ thận. Còn chứng can dương hư sinh chứng dương nuy (liệt dương) vì can dương hư khí không đến kịp dương đạo nên khi sinh hoạt nam nữ không hưng phấn mà sinh bệnh. Ngoài ra do lười lao động mà sinh ra chứng đởm khiếp, phiền muộn dẫn đến can dương hư nên khi điều trị phải bổ can, tráng dương.
Phương pháp điều trị:
- Do ưu sầu sinh chứng can dương hư: Tinh chất của can sinh ra từ thận, do thận dương hư dẫn đến can dương hư, hoặc do uất ức lâu ngày cũng sinh ra chứng can dương hư. Triệu chứng: Người mệt mỏi, hay uất giận, tay chân lạnh, hay lười biếng, thận lạnh hoạt tinh mà không mộng. Điều trị: Tiềm dương ích khí, bổ can thận. Bài thuốc: Thiên hung tán gia vị: Thiên hung 12g, Bạch truật 16g, Quế chi 8g, Long cốt 12g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống ba lần trong ngày, uống trước khi ăn, tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia thêm vị thích hợp.
- Do can dương hư sinh chứng giải đoa (lười biếng): Khi dương khí hư, công năng của can suy yếu, khí không chỉ đạo được hỏa, can hỏa mất sự nhu nhuận, do can dương hư, can mộc không sơ tiết được tì thổ nên bụng chướng đầy ăn không tiêu. Triệu chứng: Móng tay, móng chân khô, nhợt nhạt, gân bị co rút do bị hàn lạnh, tay chân mỏi rã rời, cầm nắm khó khăn, mắt mờ, đờm khiếp, hay uất ức, bộ phận sinh dục ẩm ướt mà lạnh, lãnh cảm với tình dục, sợ sinh hoạt tình dục, bụng đầy không muốn ăn, tay chân rã rời, hụt hơi không muốn nói… Điều trị: Ôn dương bổ can ích khí phù tì. Bài thuốc: Ôn đương bổ can tiễn. Nhục quế 6g, Tiên linh tì 12g, Tử thạch anh 12g, Xà sàng tử 12g, Bạch thược 8g, Mộc qua 8g, Nhân sâm 6g, Bạch truật 12g, Hoàng kì 12g, Chích cam thảo 4g, Thăng ma 8g, Sài hồ 4g, Phòng phong 6g, Sinh khương 3 lát. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống ba lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.
- Can dương hư gặp trong bệnh phụ khoa. Trong Đông y can là tiên thiên của phụ nữ, khi dương khí của can hư thì hai mạch xung nhâm cũng bị suy tổn, khí không phát huy được tác dụng thăng đề thống nhiếp, can không tàng được huyết mà sinh ra các bệnh về kinh nguyệt. Triệu chứng: Kinh nguyệt không điều hòa vì khí không vận chuyển được huyết để hành kinh, kì kinh đến muộn, bế kinh, hai mạn sườn, bụng dưới lạnh đau, bào cung bị hàn không thể thụ thai, đới hạ ra nhiều, trong mà lạnh. Điều trị: Ôn bổ khí huyết, điều kinh. Bài thuốc: Ôn kinh thang, nếu bào cung hàn thì dùng bài Noãn cung hoàn. Ngô thù du 6g, Xuyên quy 12g, Xuyên khung 6g, A giao 12g, Sinh khương 4g, Bạch thược 12g, Nhân sâm 12g, Quế chi 6g, Đan bì 8g, Bán hạ 8g. Bài Noãn cung hoàn: Lưu hoàng 6g, Xích thạch chi 12g, Ô tặc cốt 12g, Hắc phụ tử 6g, Vũ dư lương 12g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần/ngày, uống trước khi ăn, thuốc còn ấm.
|
|