Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

CÔNG TÁC XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI       (1) HOTLINE 18001769 TƯ VẤN MIỄN PHÍ 24/7       (2) CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN, KHÁM SÀNG LỌC VÀ TRỊ LIỆU CHO TRẺ EM TỰ KỶ, RỐI NHIỄU TÂM TRÍ       (3) HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH       (4) HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN CỦA MUA BÁN NGƯỜI       (5) TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM      
6 cách làm con hư

6 cách làm con hư

Ngày 12-04-2024 Lượt xem 140

Bênh con chằm chặp bất kể ai nói gì, vợ chồng sỉ vả nhau trước mặt trẻ... đều vô tình hình thành những thói quen xấu và dễ đẩy trẻ vào lối sống sai trái.
Bạn đọc rất nhiều sách, hỏi kinh nghiệm của tất cả các bà mẹ mình biết, tham gia những buổi tư vấn... nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy không biết phải làm thế nào với con. Tuy nhiên, nếu muốn nuôi dạy con nên người, có những điều bạn không bao giờ nên làm. Dưới đây là những phân tích từ Mydailymoment:
 

Đòi gì cho nấy

Không bao giờ nên để con muốn gì được nấy, dù chỉ là món đồ chơi ở siêu thị hay một đĩa game hoặc những thứ đồ mà bạn phải tốn cả tuần tiền lương mới sắm được, bởi đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ chỉ khiến chúng trở nên hư đốn.
Nhiều ông bố bà mẹ tin rằng từ chối yêu cầu của con sẽ khiến chúng tìm cách chống đối. Tuy nhiên, trẻ con cần nhận thức và có nhìn nhận thực tế về cách chúng có được điều mình muốn và giá trị của đồng tiền cũng như việc chăm chỉ lao động. Nếu bố mẹ luôn sẵn sàng mở ví mỗi lần con khóc lóc, rên rỉ thì chỉ chứng tỏ cho trẻ hiểu rằng tiền và vật chất quan trọng hơn tình cảm và những trải nghiệm ý nghĩa. Bọn trẻ cũng sẽ mặc nhiên nghĩ rằng, chúng không cần phải kiếm tiền hay lao động để có được thứ mình muốn.
Điều nên làm: Hãy giới hạn con bạn được có một món đồ chơi mới hay đạt được điều gì đó mỗi tháng với một số tiền nhất định. Nếu chúng muốn nhiều hơn hay đắt hơn, chúng sẽ tự kiếm bằng cách làm việc nhà hay tiết kiệm tiền tiêu vặt.
Không có kỷ luật

Sẽ quá dễ dãi với trẻ nếu thấy con bày trò phá bĩnh, ném đồ hay bắt nạt trẻ khác mà bạn chẳng làm gì cả. Thiếu kỷ luật trong dạy dỗ con cái thường bắt nguồn từ việc không muốn nhìn nhận vào bản chất vấn đề. Nhiều bậc phụ huynh không biết làm sao để để xây dựng nguyên tắc với con, vì vậy họ chọn cách chẳng làm gì cả.

Cách nuôi dạy con kiểu này có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng như phạm pháp. Trẻ con cần được dạy về ranh giới giữa cái được và không cũng như cách tương tác, giao tiếp với người khác. Nếu chúng không được học về hậu quả từ việc làm của mình, ý thức về ranh giới giữa cái tốt và cái xấu có thể bị xóa mờ, thậm chí không tồn tại.
Điều nên làm: Đặt ra các nguyên tắc rõ ràng và nhất quán và những hậu quả cho con. Chẳng hạn, nếu con hành xử không đúng ở trường hay tại nơi công cộng, con sẽ mất một đặc ân như xem TV hay có món tráng miệng yêu thích vào bữa tối. Bạn có thể dùng cách phạt cho đứng góc, im lặng vì những cư xử không đúng của trẻ tại nhà và giải thích lý do vì sao hành động đó là không thể chấp nhận.
Luôn bênh con

Khi một giáo viên hay người lớn khác nói với bạn về hành động sai trái của con, bạn thường không tin và luôn bênh vực trẻ. Trong khi tất cả chúng ta đều muốn tin rằng, con cái của mình là những thiên thần nhỏ, nhiều người nhắm mắt làm ngơ cho những lỗi của chúng hoặc không tìm hiểu rõ sự việc. Một số bố mẹ còn khẳng định như đinh đóng cột rằng con họ không sai và bị người khác "trù dập". Bạn nên giúp con hiểu rằng chúng không được làm trái nguyên tắc và các lỗi lầm sẽ phải chịu hậu quả.
Điều nên làm: Nếu giáo viên của con hay người giúp việc hoặc bất cứ ai phàn nàn về một hành động sai trái của trẻ, hãy lắng nghe và tìm hiểu sự thật. Giải thích với con rằng, dù chúng có làm điều gì không đúng, bạn vẫn yêu chúng, nhưng cần để chúng biết phải thành thật và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Sỉ vả bạn đời trước mặt con

Gọi chồng hay vợ mình bằng những từ ngữ thô tục, khó nghe, nổi cơn điên và đe dọa bạn đời trước mặt con cái có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý trẻ. Khi chứng kiến điều này, trẻ có thể sống trong sợ hãi, trốn chạy hoặc tìm đến những cách đối phó nguy hiểm như uống rượu, dùng ma túy và nghĩ sẽ không có vấn đề gì nếu sau này chúng cũng đối xử với chồng/vợ mình như bố mẹ đã làm.
Điều nên làm: Vợ chồng hãy luôn cư xử tế nhị, bình tĩnh trước mặt các con, và nếu muốn cãi nhau, hãy sang phòng khác hoặc ra ngoài. Đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để giúp chúng thoát khỏi những ám ảnh không đáng có nếu vợ chồng bạn ly dị hay gia đình xảy ra các vấn đề lớn. Hãy luôn để con hiểu rằng nói năng thô tục và cư xử thô bạo là không thể chấp nhận được, kể cả khi xung đột với người khác.
Làm gương xấu

Ăn trộm, nói dối, nguyền rủa người khác trước mặt trẻ nhỏ là tạo gương xấu cho chúng. Bố mẹ là những người thầy đầu tiên của con và hành động của họ có ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ. Những hành vi xấu của bạn có thể làm thay đổi nhận thức của trẻ về những gì là đúng và sai. Bạn sai lầm nếu nghĩ rằng trẻ không chú ý tới những điều đó. Trẻ em cực kỳ ấn tượng và chúng sẽ bắt chước những cái xấu nếu tiếp xúc với điều đó thường xuyên.
Điều nên làm: Hãy luôn là một công dân kiểu mẫu trước mặt con cái. Tất nhiên, chúng ta ai cũng có lúc mắc lỗi, và khi đó, nên giải thích để con hiểu lý do mình làm sai và cách sửa đổi ra sao.
Thiếu quan tâm đến trẻ

Bạn thường xuyên đi làm về muộn (dù đôi khi không cần như vậy), mải mê với game, nhậu nhẹt... hay đơn giản là phớt lờ bọn trẻ? Trẻ con cần được cảm nhận tình yêu thương và cảm thấy chúng xứng đáng được chú ý và quan tâm. Một đứa trẻ có thể tìm kiếm sự an ủi từ những người không tốt hay bị trầm cảm nếu bị bỏ quên.

Điều nên làm: Dù bận rộn đến đâu, hãy luôn sắp xếp mọi việc hợp lý để có thời gian quan tâm tới con. Cùng nhau xem một bộ phim hay đi dạo trong công viên cũng có thể làm trẻ vui sướng.

wiget Chat Zalo
Messenger Chat