Ngay từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh đã có khả năng lắng nghe những âm thanh xung quanh và đặc biệt là tiếng nói của con người
Chăm sóc và giáo dục trẻ nói ngọng
Ngay từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh đã có khả năng lắng nghe những âm thanh xung quanh và đặc biệt là tiếng nói của con người. Tuy không hiểu nhưng trẻ có thể cảm nhận được những biểu hiện tình cảm từ cách nói để có được những phản ứng thích hợp. Trẻ sẽ lo sợ thậm chí khóc thét lên khi nghe những âm thanh chói tai, tiếng quát tháo hay biểu lộ sự giận dữ, nhất là đối với người trực tiếp chăm sóc trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể cảm nhận được giọng nói, cách nói của những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ trong việc chăm sóc, cho trẻ ăn, chơi đùa với trẻ. Các em sẽ phát triển tốt hay không tốt, nói đúng hay nói ngọng một phần là do ảnh hưởng từ cách chăm sóc và phát âm của những người này.
Bắt đầu từ 14 – 24 tháng tuổi trẻ bắt đầu biết nói những từ đơn giản như bà bà, ma ma …lúc này thì chúng ta có thể chưa phát hiện được tình trạng ngọng của bé, nhưng khi trẻ đến tuổi đi học, thì việc nói ngọng sẽ có ảnh hưởng nhiều đến việc tập đọc và phát âm sai, dẫn đến tình trạng nghe, viết không đúng và hạn chế việc giao tiếp của trẻ, khiến các em sẽ trở nên nhút nhát, thụ động hoặc có khi lại trở nên hiếu động, dễ nổi nóng…. Vì vậy chúng ta phải có những biện pháp xác định và can thiệp hợp lý.
Xác định độ ngọng của trẻ và cách khắc phục
Thông thường, trẻ nói ngọng do sai lệch trong cách phát âm. Nguyên nhân có thể do những biến đổi của bộ phận phát âm, thần kinh. Ngoài ra, có thể do bé chưa phân biệt được các âm vị khác nhau khi phát âm, hoặc cử động môi, lưỡi chưa chính xác.
Khi thấy con có tật nói ngọng, cần đưa trẻ kiểm tra cơ quan phát âm cử động lưỡi, môi, răng… Bác sĩ sẽ đánh giá độ ngọng của bé thuộc thể nào để có giải pháp điều chỉnh. Thông thường, con bạn bị các dạng ngọng như:
- Ngọng khuyết: bé nói không đúng được chữ và bỏ phần phụ âm. Chẳng hạn, “con thỏ”, bé sẽ nói thành “con ỏ” hoặc “đi đâu đó” thành “i âu ó”.
- Ngọng thế: Một số phụ âm bị thay thế bằng phụ âm khác như “con thỏ” thành “con xỏ” hoặc “xe đạp” thành “ke cạp”.
- Ngọng thanh điệu: Trẻ không nói được những từ có thanh điệu lên xuống. Do đó, bé buộc phải tìm thanh khác để nói, ví dụ: “mũ” thành “mụ”, “hát” thành “hạt”…
- Ngọng nguyên âm đôi: Thay vì nói “trái chuối”, bé sẽ nói “trái chúi”.
Để điều chỉnh, bố mẹ cần chỉ cho con thấy việc phát âm sai, sau đó dạy phát âm đúng. Bố mẹ cần làm mẫu để con nhìn và phân biệt cử động môi khi phát các âm như “ch” thành “tr”, “t” thành “th”. Bạn cũng có thể cho trẻ nhìn vào gương để tập nói. Khi bé bật ra các âm, hơi trong gương sẽ có hình dạng khác như “o”, “i”…
Ngoài ra, nên hướng dẫn trẻ các hình mô phỏng nghĩa của từ để phân biệt âm và nghĩa khác nhau, như “cáo” và “áo”, “sông” và “công”, “thỏ” và “tỏ”…
Đối với trẻ bị ngọng do dị tật cơ quan phát âm như sứt môi, hở hàm ếch, cần được phẫu thuật. Sau khi lành, trẻ cần tập chỉnh âm, như thế ngôn ngữ của trẻ sẽ dần được hoàn thiện.
nếu quan tâm trong viêc chăm sóc và trò chuyện với trẻ, chúng ta sẽ giúp trẻ tránh được việc nói ngọng do thường xuyên nghe những từ không chuẩn xác nơi người lớn, vì thế khi trò chuyện với bé, người mẹ và những người chăm sóc tránh nói một cách thường xuyên những câu cố ý ngọng cho vui như : Mẹ iu ton nhắm ( Mẹ yêu con lắm) hoặc chúng ta nhại lại giọng non nớt của trẻ ( vì nghe cũng rất dễ “xương” ) để trao đổi với bé. Chúng ta cũng cần quan tâm đến giọng nói của người giúp việc nếu như phải giao bé cho các cô này chăm sóc thường xuyên. Ta không thể bắt buộc họ đổi giọng hay không được dùng tiếng địa phương, nhưng yêu cầu khi nói với trẻ phải nói một cách rõ ràng.
Vì sao bé lại nói ngọng?
Bé chậm phát triển : – Bé nói ngọng có thể do sự phát triển giao tiếp chưa toàn diện. Lên 2 tuổi, một số bé có thể nói rất nhiều từ, rõ nghĩa trong khi một số bé khác nói chậm hơn. Các bé trai cũng có xu hướng nói kém hơn các bé gái.
- Bé quá nhút nhát: Mới đầu, bé có thể nói sai một vài từ nhưng bị cả nhà cười chê nên những lần giao tiếp sau, bé trở nên rụt rè và càng dễ bị ngọng hơn. Các bé có xu hướng hoạt bát, nhanh miệng hơn trong môi trường gia đình, người thân nhưng trở nên lúng túng, ngượng nghịu khi đứng trước người lạ.
- Bé bắt chước: Một người thân trong nhà hoặc các bạn ở lớp mẫu giáo của bé thường nói ngọng nên bé cũng bị ảnh hưởng theo.
- Yếu tố bệnh lý: Bé bị dính thắng lưỡi (lưỡi bé không thể thè thẳng ra như bình thường được). Ngoài ra, các chứng bệnh như viêm họng, sưng lợi, tắc mũi… cũng gây cản trở bé phát âm. Đây chỉ là một yếu tố phụ, không có tác động nhiều lắm.
Thái độ của người lớn
Không nhại giọng : – Bạn không nên nhại lại giọng nói ngọng của bé, hay tỏ ra thích thú khi bé nói ngọng. Làm như vậy, bé sẽ càng cố nói ngọng vì bé cho rằng làm thế sẽ khiến bạn vui.-
Làm gương cho bé: Muốn bé phát âm chuẩn, cha mẹ hoặc người thân trong nhà phải làm mẫu cho bé trước đã. Nếu cô giúp việc nói giọng địa phương, thì bạn cũng nên yêu cầu cô tập nói giọng chuẩn cùng bé.
-Tránh nói ngọng khi quá yêu bé. Những câu nựng như “Mẹ yêu ton nhắm” sẽ là bài học xấu về tật nói ngọng cho bé đầy!
-Tập cho bé bình tĩnh: Bạn nên để cho bé được diễn đạt hết ý, không nên cắt lời bé, cũng không nên thúc giục bé nói nhanh. Làm như vậy, bé càng dễ mắc lỗi hơn.
Cùng con luyện tập
Tập cơ miệng : Bạn có thể hướng dẫn bé các bài luyện tập cơ miệng vào buổi sáng như: Há miệng to và cùng nói “A, O, U, I”. Lặp lại từ 5 đến 7 lần.
- Dạy bé hát: Quá trình bé bắt chước theo ngôn từ, giai điệu của bài hát sẽ giúp bé biết cách phát âm đặc biệt hiệu quả. Bạn có thể chọn những bài hát đơn giản, hướng dẫn bé học thuộc từng đoạn nhỏ rồi ghép các đoạn lại với nhau.
Nếu bé nói ngọng phần nào, bạn có thể lặp đi lặp lại phần đó nhiều lần để bé ghi nhớ và làm theo.
- Cho bé nói trước gương: Bạn làm mẫu phát âm thật chậm, rõ ràng một số cụm từ như “Con muốn ăn cơm”, “Con thích uống sữa”… và hướng dẫn bé làm theo. Bé có thể dễ dàng bắt chước cử động miệng của bạn khi nhìn vào trong gương.
- Trò chơi ngôn ngữ: Hàng ngày, bạn có thể đố bé xem, trong nhà mình có những đồ vật nào bằng chữ “C”, những loại quả nào bắt đầu bằng chữ “N”… hoặc gợi ý để bé đố lại bạn. Hoạt động này giúp bé phân tích và nhận biết chính xác những cụm từ thông dụng.
-Trò chuyện hàng ngày: Nói chuyện với bạn không chỉ giúp bé tăng vốn từ vựng mà bạn cũng biết bé thường phát âm sai những cụm từ nào để kịp thời uốn nắn.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC:
Có một số trẻ càng lớn càng nói ngọng. Vì vậy, cha mẹ nên kiên trì sửa tật nói ngọng cho bé càng sớm càng tốt, nếu không, nó sẽ trở thành “bệnh kinh niên” ngay cả khi bé đã trưởng thành.
* Chú ý nhắc nhở cháu sửa những âm sai và làm điều đó hàng ngày.
* Hãy chữa trị bất cứ vấn đề về dị ứng, lạnh hay viêm xoang để con bạn có thể thở được khi ngậm miệng và thở bằng mũi. Tư thế thở khi miệng mở làm cho lưỡi dẹp xuống và thò ra. Và nói khi nghẹt mũi cũng vậy, nghẹt mũi cũng là một nguyên nhân gây nói ngọng.
* Ðừng để con bạn cho tay vào miệng, vì bú tay có thể góp phần tạo nên tật nói ngọng dù không dễ dàng gì giúp cháu bỏ tật mút tay. Hãy nhằm vào những lúc cháu thích mút tay nhất, như khi xem tivi hoặc ngồi trên xe, và đưa cháu cầm một món đồ chơi cháu thích nhất.
* Bỏ một ống hút vào ly đồ uống của cháu, vì cháu sẽ dùng môi thay vì dồn áp lực vào răng. Phương pháp này thúc đẩy sức điều khiển tiếng nói, điều này rất quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ.
* Khuyến khích cháu chơi những hoạt động đẩy mạnh khả năng điều khiển tiếng nói. Tập cho cháu huýt gió. Ðây là một bài tập tốt bởi vì giúp cháu điều khiển luồng hơi trong miệng, làm môi dài ra và kiểm soát được cơ bắp, có khuynh hướng đẩy lùi lưỡi về phía sau.
* Ngoài ra, mỗi ngày cho cháu thổi bong bóng cũng là một phương pháp tốt.
* Cho cháu đứng trước gương để nhìn rõ miệng, lưỡi, răng cháu khi phát âm.