Màn đêm bắt đầu thênh thang dạo trên khắp phố phường Hạ Long. Mới đây vài chục phút, phố xá tấp nập những vòng quay hối hả, giờ đường phố đã lung linh ánh đèn, cuộc sống dường như chậm lại. Không như mọi tối, hôm nay tôi đến trực tại Restart Coffe (nơi đặt văn phòng tư vấn của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh) sớm hơn mười phút.
Bước vào quán, tôi chạm ngay đôi mắt buồn của vị khách (chắc là vị khách đầu tiên của quán tối nay), chị ngỗi một mình trong quán, mắt đăm đăm dõi vào khoảng không vô định như cố sức quăng hết những ưu phiền đang đè trên vai chị đi nhưng không đủ sức. Tôi đủng đỉnh bước lên tầng trên – nơi làm việc quen thuộc của tôi, chợt bước chân như muốn dừng lại khi tình cờ thấy người phụ nữ bước đến quầy bar hỏi chủ quán:
- Có phải người vừa lên trên tầng là nhân viên tư vấn phải không anh?
- Dạ, đúng thưa chị, anh ấy làm việc ở tầng trên!
- Vậy tôi có thể đổi chỗ lên trên được không?
- Dạ, mời chị lên, nhân viên sẽ mang đồ uống lên cho chị ngay! (Chủ quán vui vẻ trước lời đề nghị của người phụ nữ).Quán cà phê Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đặt văn phòng tư vấn
Chị bước lên tầng trên, đi qua bàn làm việc của tôi, chị dừng lại, ngập ngừng như có gì muốn nói rồi lại thôi, chị từ từ ngồi xuống bàn gần cửa sổ phía đường, mắt lạc lõng giữa vô định. Chị buông một tiếng thở dài vào khoảng mênh mông trước mặt, tay xoa bụng như nói với con: “con yêu, giờ mẹ phải làm sao đây? Sao mẹ con mình lại khổ vậy?” Đôi mắt chị long lanh mọng nước.
Trực quan nghề nghiệp mách bảo tôi chị có lẽ là một thân chủ muốn tìm đến Công tác xã hội để được sẻ chia, nhưng vì lý do gì khiến cho chị ngần ngại, tôi chủ động cầm ly trà của mình bước tới phá đi rào cản:
- Chào chị, xin lỗi, chị đang chờ bạn phải không?
- Không, tôi đi một mình!
- Em có thể ngồi đây chứ?
- Vâng, bạn có phải là nhân viên của trung tâm tư vấn?
- Dạ, em là cán bộ tư vấn của trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh được phân công tiếp thân chủ cần được tư vấn ở đây tối nay!
Câu truyện trở lên sôi nổi, gần gũi hơn khi chị hỏi thêm và được tôi chia sẻ về Trung tâm, về công tác xã hội, về Retsart Coffe (mô hình cà phê tư vấn, kết hợp cùng uống trà, cùng trò truyện)... Cuối cùng tôi gợi mở sang vấn đề của chị:
- Bất kỳ lúc nào chị cần được tư vấn trước những tình huống khó xử trong cuộc sống, hãy tìm đến chúng em, trực tiếp tại đây mỗi tối, đến trung tâm trong giờ hành chính hay mọi lúc thông qua tổng đài tư vấn 18001769! Và ngay bây giờ, nếu chị có những ưu phiền không biết chia sẻ cùng ai, chị có thể chia sẻ với em, giữ bí mật cho thân chủ là một nguyên tắc nghề nghiệp quan trọng của chúng em!
Chị mỉm cười, nụ cười hiền u uất tâm sự, đôi mắt đã buồn long lanh như gặp được tri kỉ:
- Uhm, hôm nay chị tìm đến đến mục đích chính là muốn được tư vấn chuyện riêng của chị em à!
- Em lắng nghe chị đây!
Tôi nhìn chị thân thiện, dường như khoảng cách lạ quen đã được xóa bỏ từ lúc nào tôi không biết. Chị chậm rãi kể tôi nghe chuyện tình của chị:
Chị là một giáo viên dạy Văn – Sử, kiêm công tác đoàn đội cho một trường cấp hai trong thành phố Hạ Long nhưng chị lại là một sơn nữ người Tày, gốc gác tận Bình Liêu. Là sơn nữ nhưng chị xuất thân trong một gia đình tri thức tương đối cơ bản, nên chị có nét đẹp kiêu sa, đài các của một tiểu thư được gia đình chăm chút từ nhỏ. Tuy được chiều chuộng nhưng chị luôn gắng giữ mình để không phụ công cha mẹ.
Những năm tháng sinh viên xa nhà, cô sơn nữ được tung tẩy ra trời rộng, xa dần vòng tay bao bọc của gia đình. Tình yêu đầu đời gõ cửa trái tim khi chị đi gần hết năm thứ 2 Đại học. Chuyện tình bắt đầu từ lúc trường có kế hoạch nâng cấp lại khu kí túc chị ở, sinh viên phải ra ngoài trọ. Vốn hiền lành, nhút nhát, không thích giao du bạn bè, chị đã thuê một mình một phòng tại một dãy cũng toàn “hộ đơn thân” như chị để yên tĩnh tập trung học tập. Sau khi nộp bài thi môn cuối cùng của kỳ 4, chị mệt mỏi cố lết về phòng trọ. Hai tuần thức khuya dậy sớm ôn thi, chị như không còn chút sức lực. Cái nắng đầu hạ oi ả làm căn phòng 14m2 của chị trở lên chật hẹp, nóng nực. Người chị nóng phừng phừng, chị lịm đi...
Trở mình thấy lành lạnh, chị mơ màng kéo mảnh chăn mỏng lên đắp thì cảm thấy tay mình có gì đó là lạ, như dây dẫn truyền dịch. Chị từ từ mở mắt, ngơ ngác nhìn quanh: không phải phòng trọ oi nực mà là một màu trắng toát xa lạ... hình như... bệnh viện...
- Em tỉnh rồi hả cô bé?
Chị nhận ra anh chàng hàng xóm ở phòng kề bên.
- Cô chủ nhà mời cả xóm mình bữa cơm trước khi về nghỉ hè, anh và Linh qua gọi em thấy em bị sốt cao, mê man nên đưa em vào viện.
- Chị Linh đâu anh?
- Mọi người về hết rồi, chỉ còn anh ở lại mấy hôm nữa cùng đoàn sinh viên tình nguyện của trường mình lên Tây Bắc. Yên tâm nghỉ ngơi đi, anh và cô chú chăm cho em khỏe mới được về Quảng Ninh.
- Em bị sao?
- Bác sĩ bảo sốt vi rut, trong lúc cơ thể suy nhược. Bố mẹ mà biết con gái cưng thế này chắc xót lắm đây.
Mười ngày nằm viện, được anh hàng xóm lớp trên chăm sóc chu đáo, là trái tim non nớt của chị rung ring trăm thứ xúc cảm đan xen. Hè năm ấy chị không về quê mà nhập đoàn sinh viên tình nguyện của trường, bên anh lên rừng, xuống biển, đến các trường tạm trên núi cao, xuống các làng chài nơi biển sâu... Hai người xích lại gần nhau, hiểu, và cảm phục nhau qua các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa của đoàn sinh viên tình nguyện.
Tình yêu nảy mầm, đơm hoa, tỏa hương khắp trường Sư phạm, ai cũng khen “cặp đôi hoàn hảo” học giỏi, phong trào mạnh. Anh học Sư phạm tiếng Anh, ra trường trước chị một năm, khi cầm tấm bằng xuất sắc chia tay người yêu, chàng kiên định: “Anh về Hạ Long xin việc trước, chờ em ra trường mình cưới nhé!”
Con đường nào cũng vậy, khi ta đứng nhìn thấy nó dài, nó chông gai, chẳng biết bao giờ mới đến đích, nhưng khi đi đến nơi ta lại giật mình vì nhận ra ta đã đi qua nó từ lúc nào. Chị đi dạy hợp đồng cho một trường học trong thành phố, anh làm nhân viên bộ phận nhà hàng của một khách sạn 5sao trong khu du lịch. Ba năm kể từ ngày ra trường... chị mong chờ một đám cưới mà không thấy anh ý kiến, chỉ thấy anh cứ nhàn nhạt lảng tránh.
Rồi chị vỡ òa hạnh phúc khi biết mình có bầu đúng ngày anh có quyết định giữ vị trí giám đốc nhà hàng của tổng công ty. Cầm kết quả siêu âm đến ngay cổng khách sạn, chị ngồi chờ anh tan ca ngay quán nước đối diện. Hơn 20 cuộc gọi anh không nghe máy, chị dò hỏi một nhân viên bảo vệ thì nhận được câu trả lời:
- Muốn gặp rể sếp Tổng thì phải hôm khác, hôm nay Sếp tổng với mọi người đang chúc tụng chàng rể tài ba trên nhà hàng tầng 16 rồi, hình như có cả bố mẹ cậu ấy tới dự nữa, chắc cưới sớm thôi, cái bụng con gái sếp Tổng rẻ cũng được 5 tháng rồi!
Chị cố lấy bình tĩnh dò tiếp:
- Sao anh ta giỏi thế?
- Đẹp trai, năng nổ, đa tài, lại là thầy ngoại ngữ nữa, mà du lịch quan trọng là ngoại ngữ, sếp Tổng thấy anh ta có bằng xuất sắc của sư phạm nên nhờ kèm con gái môn ngoại ngữ, thầy trò kèm nhau thế nào, kì thi chưa đến đã phưỡn ra.
Chị bẽ bàng, lặng lẽ nhét kết quả siêu âm qua kẽ cửa phòng trọ của anh. Hai hôm sau, anh chủ động đến phòng, đặt một xấp đô trước mặt chị:
- Bỏ nó đi, mình chấm dứt từ đây!
- Không, nó đã gần ba tháng rồi anh ạ!
- Ngu thế, sao đến 3 tháng mới biết mà đi siêu âm? Lên Hà Nội, hoặc sang Hải Phòng, cứ tống hai ba triệu bồi dưỡng là họ làm tất!
- Đừng bắt em bỏ con, chúng mình đã bên nhau bao năm nay, chẳng lẽ anh không có chút tình nghĩa gì với em sao?
- Cô đi trên mặt đất đi, bây giờ không phải thời sinh viên nữa mà mơ mộng! Lấy cô tôi mãi làm thằng hầu bàn à? Cô đẻ nó ra tôi sẽ bóp chết cả cô và nó đấy!
- Em yêu anh mà, sao anh lại đối xử với em như thế?
Anh ta móc ví lấy thêm tiền đặt xuống trước mặt chị rồi lạnh lùng quay lưng bước đi...
Hình minh họa, không phải nhân vật
Những giọt nước mắt lăn đầy trên khóe mắt chị. Tôi vội lấy giấy ăn đưa chị. Chị nghẹn ngào:
- Bây giờ chị phải làm gì đây? Chị không biết nữa!
- Cái thai của chị bây giờ được mấy tuần rồi?
- Được mười bốn tuần em à, thai khỏe, phát triển bình thường.
- Chị muốn giữ đứa bé lại để níu kéo?
- Chị còn yêu anh ấy rất nhiều, chị không muốn bỏ đứa bé, cũng không muốn con chị không cha, lại càng sợ dư luận xã hội. Còn cô gái trẻ kia nữa, cả chị, cả cô ấy và hai đứa bé chưa chào đời đều không ai có lỗi, người có lỗi là gã đàn ông bội bạc kia, chị muốn để cho hắn thân bại danh liệt! Chị sẽ mang bụng bầu này xuất hiện trong lúc làm lễ thành hôn để vạch trần bộ mặt xấu xa của hắn trước bàn dân thiên hạ!
Ánh mắt chị trở lên dữ dội, cay nghiệt, đầy thù hận.
- Chị bình tĩnh, chúng ta cùng phân tích vấn đề để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho tất cả. Ngoài nghĩ đến việc cho anh ấy mất tất chị đã nghĩ đến những khó khăn khi mang bầu và sinh con nơi đất khách chưa?
- Chị nghĩ nhiều chứ! Dư luận xã hội, rồi điều kiện kinh tế...
- Vâng, nhất là khi chị là một giáo viên, lại là giáo viên dạy văn, mà quan niệm xã hội đã mặc định những người như chị là một phụ nữ chuẩn mực, giờ không chồng mà chửa sẽ khó có thể thuyết phục được mọi người trong các bài giảng về đạo đức, về văn hóa... kéo theo đó là những rèm pha từ mọi phía gia đình, đồng nghiệp, xã hội... Rồi vấn đề kinh tế nữa...
- Vậy chị phải bỏ nó đi?
- Nếu chị bỏ đứa bé, chị có biết những rủi ro chị sẽ gặp phải sau này, vô sinh là một ví dụ, rồi cảm giác tội lỗi? Trong trường hợp này, chị là người có quyền tự quyết tất cả, em chỉ là người phân tích cho chị bình tĩnh nhìn nhận vấn đề theo hai mặt của nó:
Như đã phân tích ở trên, hành động dùng đứa bé để trả thù, để làm loạn đám cưới của anh ấy có hai tình huống:
1. Họ sẽ lật lại vấn đề, kiện chị vu khống? Đợi khi con chị sinh ra để xét nghiệm ADN thì con người phụ nữ kia cũng đã biết bò. Khoảng thời gian ấy thừa đủ cho người đàn ông kia thu xếp ổn thỏa mọi thứ. Mọi việc sẽ chẳng theo được ý của chị. Người đau khổ, thiệt thòi nhất vẫn là chị.
2. Họ tin chị, hủy bỏ đám cưới, vậy cô dâu đang mang bầu, sắp sinh lại là một cô gái quá trẻ, mới mười tám tuổi đầu (chưa rời ghế nhà trường) sẽ ra sao trước cú sốc này? Đứa bé trong bụng cô ấy sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Cả hai đều là con của anh ấy, nhưng khi chị làm cả công danh, sự nghiệp lẫn con của anh ấy bị ảnh hưởng lớn thế, về bên chị anh ấy có yêu thương nổi chị hay lại suốt ngày hai người dằn vặt nhau? Cuộc sống như thế có hạnh phúc không? Anh ấy sẽ vè ở bên chị được bao lâu trong khi anh ấy đã từng lạnh lùng đề nghị chấm dứt với chị và yêu cầu chị bỏ đứa bé? Còn gia đình người phụ nữ kia nữa, họ có để chị yên, để cho anh yên không khi hai người đã làm tổn hại đến danh dự gia đình của họ?
Để đứa bé, chị sẽ khó khăn về kinh tế, chị sẽ bị dư luận nên án, thời gian đầu mọi người sẽ rất gay gắt với chị, nhưng rồi sau này mọi người sẽ cảm thông cho chị, bố mẹ nào cũng thương con, mọi người sẽ rộng lòng cảm thông cho chị. Khi làm mẹ rồi, đứa bé sẽ là động lực để chị sống ý nghĩa hơn, chị sẽ không cô đơn, và rồi chị sẽ gặp được người đàn ông thương yêu chị, chấp nhận cả hai mẹ con để xây lại hạnh phúc mới. Tuy nhiên đó là tương lai xa, có hoặc không thành sự thật không ai nói trước được. Còn trước mắt, chúng ta đều nhìn thấy ngay được những khó khăn về kinh tế, về tinh thần chị và sẽ phải đối mặt khi đứa bé chào đời.
Còn bỏ đứa bé đi, khi cái thai đã ở tuần thứ 14, chị là người hiểu biết, chị nắm rõ những đau đớn, mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần bây giờ và sau này chị gặp phải. Mà điều đáng lo ngại nhất là những khó khăn cho lần có bầu sau. Nhưng khi chị bỏ đứa bé, chị sẽ không phải chịu những mệt mỏi của thai kỳ, khéo léo che đậy dư luận để chuyên tâm làm việc. Và khi chị chưa có con cái, người đàn ông đến sau và gia đình anh ta sẽ dễ dàng chấp nhận chị hơn là chị đã có con riêng? Điều này cả em và chị cũng chẳng ai dám khẳng định.
Nhưng lời cuối cùng em muốn chốt lại: Chị hãy bình tĩnh, suy xét thật kỹ để chọn cho mình một hướng đi phù hợp với điều kiện của chị bây giờ, chị có đủ can đảm đối diện với khó khăn của tình huống nào em phân tích thì hãy chọn lấy phương án đó, tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều là tương đối. Ai cũng mắc phải những lỗi lầm, ai trong đời cũng phải đôi lần vấp ngã, điều quan trọng là ta đứng dậy như thế nào, bước những bước về sau ra sao. Trên con đường phía trước, em tin chị sẽ không cô đơn, vì bên cạnh chị luôn có những nhân viên xã hội như chúng em, sẵn sàng lắng nghe, sẻ chia và cùng chị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Tương lai chúng ta, số phận chú ta do chính chúng ta định đoạt, và em khuyên chị hãy thận trọng khi có ý định quay lại với người đã từng làm tổn thương mình. Chúc chị có những lựa chọn sáng suốt để vững bước trên con đường đầy chông gai phía trước!
Đỗ Thị Hoa – Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh