Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

CÔNG TÁC XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI       (1) HOTLINE 18001769 TƯ VẤN MIỄN PHÍ 24/7       (2) CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN, KHÁM SÀNG LỌC VÀ TRỊ LIỆU CHO TRẺ EM TỰ KỶ, RỐI NHIỄU TÂM TRÍ       (3) HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH       (4) HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN CỦA MUA BÁN NGƯỜI       (5) TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM      
Nỗi oan lười học

Nỗi oan lười học

Ngày 12-04-2024 Lượt xem 88

Khi được thông báo trẻ mắc chứng khó học, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng và lập tức hỏi bác sĩ có thuốc gì chữa khỏi bệnh cho con họ không. Không có loại thuốc nào có thể chữa chứng khó học này, chỉ có cách giáo dục theo khả năng của trẻ mà thôi.
Thế nào là chứng khó học?
 

Bé N.T.V., sáu tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM được cha mẹ đưa đến khoa tâm lý BV Nhi Đồng 1 khám vì cô giáo phản ảnh trong lớp bé V. học rất chậm. Dù cô cố gắng dạy bé đếm số từ 1 – 10 rất nhiều lần, nhưng khi hỏi lại bé vẫn không nhớ được số nào, giơ các ngón tay lên cũng không đếm nổi. Bác sĩ tâm lý chẩn đoán bé V. bị rối loạn chuyên biệt về học tập (môn toán), mọi hoạt động khác của bé V. đều như những đứa trẻ bình thường khác.
Khó khăn học tập là một rối loạn phát triển khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 20% trẻ độ tuổi đi học. Khó khăn này có thể kèm theo những vấn đề cảm xúc, xã hội, hành vi. Chứng này khó được phát hiện trước tuổi đi học, và tuỳ từng trẻ, có thể khó khăn trong việc đọc, viết hoặc làm toán dù chỉ số thông minh của trẻ trong giới hạn bình thường.

Chứng khó học có liên quan đến chức năng não. Khoảng 50% trẻ có khó khăn học tập phát xuất từ gia đình có phụ huynh, anh chị em hoặc một thành viên trong nhà có chứng khó học. Nguyên nhân chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên có thể kèm theo một số khiếm khuyết thần kinh như sau: 

Có vấn đề trong thai kỳ và lúc sinh ra: bất thường trong sự phát triển não, chấn thương não, ảnh hưởng của rượu và thuốc, nhẹ cân lúc sinh, sinh ngạt, sinh non hoặc sinh khó.
Tai nạn sau sinh: chấn thương đầu, suy dinh dưỡng, phơi nhiễm chất độc (như chì, thuỷ ngân, thuốc trừ sâu).
Khó khăn kinh tế gia đình: cha mẹ không động viên trẻ trong việc học, không đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe từ nhỏ, trẻ lại thiếu chất dinh dưỡng nên không kích thích sự phát triển của não.
Phụ huynh nên làm gì?
Phụ huynh nên tránh cho rằng trẻ lì, lười, bướng bỉnh, và không dùng biện pháp bạo lực như răn đe, chửi mắng, đánh phạt trẻ. Cần nhờ chuyên viên tâm lý đánh giá tuổi khôn của trẻ với những mặt mạnh và mặt yếu, rồi cùng giáo viên xây dựng một chương trình giáo dục vừa sức trẻ, chứ không ép trẻ theo chương trình học của các trẻ bình thường.
Tránh gây áp lực cho trẻ, nhưng cần nhẹ nhàng động viên, nhắc nhở và chia việc học ra những giai đoạn nhỏ để trẻ dễ hiểu. Không nên cho trẻ vào học các trường chuyên, trường điểm. Không nên cho trẻ học thêm quá nhiều, gây căng thẳng thần kinh, càng làm cho trẻ mất trí nhớ, khó tiếp thu hơn.
Phụ huynh nên quan tâm đến con như giúp con tiếp cận sách từ lúc sáu tháng tuổi, không phải để dạy trẻ đọc sớm, mà để giúp trẻ vận động các ngón tay phối hợp với mắt để tập lật sách, nhìn những hình ảnh có màu sắc, nghe kể chuyện…
Trẻ cần được phát triển các kỹ năng trước khi đi học lớp 1 (năm tuổi):

- Trước khi học đọc: tập nói đúng văn phạm, phát âm chính xác, tập kể chuyện, hát.
- Trước khi học viết: cần học nhận dạng, phân loại, sao chép hình, vẽ các hình đơn giản như tròn, vuông, tam giác… Điều hợp tay và mắt bằng cách vẽ theo đường vạch sẵn
- Trước khi học làm toán: dạy trẻ đếm, đối chiếu tranh giống nhau, phân loại các đồ vật, sắp xếp theo kích cỡ từ to đến nhỏ, ít đến nhiều.

 

Những biểu hiện của chứng khó học
Thường gặp là chứng khó đọc bao gồm đọc kém lưu loát và kém chính xác, đọc chậm, đọc mà không hiểu ý nghĩa kèm theo chậm nói hoặc phát âm không rõ. Khó viết bao gồm khiếm khuyết về chữ viết, đánh vần và cấu trúc câu sai văn phạm. Khó làm toán bao gồm không hiểu khái niệm về số, khó nhớ số và không hiểu cách dùng số (trẻ có thể đếm thuộc lòng từ 1 – 10, nhưng khi giơ ngón tay hỏi bao nhiêu ngón thì trẻ không trả lời đúng).

Theo BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn khoa tâm lý,
BV Nhi Đồng 1, TP.HCM

wiget Chat Zalo
Messenger Chat