Trong quá trình lớn lên và phát triển của trẻ, trẻ sẽ hình thành tính cách riêng khiến cha mẹ khó có thể quản lý được. Do vậy, ngoài lời khen ngợi lúc trẻ ngoan thì khi trẻ mắc lỗi cũng không thể thiếu được những hình phạt đúng mức.
Trong quá trình lớn lên và phát triển của trẻ, trẻ sẽ hình thành tính cách riêng khiến cha mẹ khó có thể quản lý được. Do vậy, ngoài lời khen ngợi lúc trẻ ngoan thì khi trẻ mắc lỗi cũng không thể thiếu được những hình phạt đúng mức.
Nhưng cách phạt thế nào giúp trẻ biết suy nghĩ để lần sau không mắc sai lầm tương tự, không ảnh hưởng đến tự trọng của trẻ là cả một vấn đề. Dưới đây là một số cách phạt trẻ cha mẹ có thể tham khảo áp dụng:
Khuyên bảo
Nếu con đang chơi với những đứa trẻ khác mà xảy ra cãi nhau, tranh đồ chơi, bạn hãy đến gần và để cho trẻ biết bạn đang chú ý đến chúng và hỏi con nguyên nhân xảy ra tranh nhau. Bạn hãy chú ý lắng nghe con trình bày. Nói cho trẻ biết tranh giành là những hành vi xấu và yêu cầu trẻ học cách nói: “Cho tớ xin”, “Cảm ơn bạn”, “Xin lỗi”. Bạn không nên quát mắng trẻ và tránh dùng những lời nói làm tổn thương trẻ.
Bạn có thể tịch thu những món đồ chơi trẻ thích nếu trẻ vẫn tranh cãi nhau, để đồ chơi lung tung và không chịu dọn dẹp. Nếu trẻ vẫn tiếp tục không nghe lời sẽ bị phạt nặng hơn. Tiếp theo, bạn hãy hỏi trẻ nguyên nhân vì sao khiến trẻ hành động như vậy.
Đánh vào tay trẻ
Bạn có thể chuẩn bị một chiếc roi nhỏ và để ở một chỗ cố định với mục đích để nhắc nhở trẻ. Lúc bình thường bạn có thể nói với trẻ biết tại sao lại cần có cái roi đó. Khi phạt trẻ, trước hết bạn hãy để cho trẻ tự nói mình đã sai điều gì, rồi cho trẻ biết nguyên nhân tại sao bị phạt. Cha mẹ có thể đánh vào tay, mông của trẻ một cái và trẻ sẽ phải nhớ hình phạt đó để không mắc lỗi nữa.
Phạt ngồi nguyên tại chỗ
Đây là hình phạt hiệu quả cho những trẻ quá hiếu động. Chỗ xử phạt là một chiếc ghế có ghi tên trẻ chẳng hạn. Lúc phạt bạn cần quy thời gian. Chỗ phạt là chỗ không đối diện với cửa sổ, không có người qua lại, thời gian phạt không quá dài (tốt nhất là cho trẻ tự giác chọn thời gian). Khi phạt xong, hãy để cho trẻ nói rõ nguyên nhân tại sao chúng bị phạt.
Phạt trẻ làm việc nhà
Thường dùng cách này đối với trẻ từ 7-10 tuổi. Bạn hãy nói cho con biết, bạn không hài lòng khi trẻ vẽ lung tung, để đồ chơi, đồ đạc bừa bãi …và sẽ phạt khi trẻ vi phạm. Hãy chuẩn bị cho trẻ chổi, khăn lau và chỉ cho trẻ cách dọn dẹp, lau nhà cửa, bàn ghế. Trong lúc trẻ làm việc nhà cha mẹ cần phải theo dõi, nhắc nhở, hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Sau đó, bạn hãy cùng trẻ sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng. Khi phạt xong, bạn cần phải hỏi xem trẻ đã học được gì sau khi dọn nhà cửa.
Viết ra giấy lỗi của mình
Nếu trẻ làm sai việc gì, bạn hãy cho trẻ ngồi vào bàn cùng với giấy bút và yêu cầu trẻ viết ra những suy nghĩ về việc mình làm sai. Người lớn cần phải bình tĩnh để hiểu những gì trẻ viết ra những suy nghĩ của trẻ khi mắc lỗi. Đây là cách xử lý nên làm vì không làm tổn tương đến lòng tự trọng của trẻ.
Úp mặt vào tường
Chỗ phạt không nên có người qua lại để tránh làm tổn thương trẻ. Thời gian phạt không nên quá lâu, nếu không sẽ làm cho trẻ lì lợm hơn. Sau khi phạt, hãy hỏi trẻ nguyên nhân bị phạt để trẻ biết rõ mình làm sai điều gì.
Đọc sách hoặc viết
Khi trẻ có xu hướng bạo lực hay nói dối, bố mẹ cần nghiêm giọng nhắc nhở trẻ, sau đó yêu cầu con ngồi vào bàn và viết chính tả hoặc đọc một số trang sách (do bố mẹ quy định). Làm như vậy, sẽ hóa giải được tinh thần tức giận đang trỗi dậy trong trẻ và suy nghĩ về những gì mình đã làm. Đến khi trẻ bình tĩnh lại, bạn hãy hỏi xem vì sao lại như vậy?
Cấm một số quyền lợi hay yêu cầu của trẻ
Khi trẻ làm sai hoặc mắc lỗi bạn có thể phạt trẻ bằng cách cấm trẻ động đến những thứ chúng thích ăn, thích chơi,…Tuy nhiên, bạn cần phải nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của mình, không được nhượng bộ trẻ. Hãy để cho trẻ hiểu vì sao bố mẹ làm như vậy, nếu trẻ có biểu hiện tốt thì sẽ trả lại những quyền lợi của trẻ.
Lưu ý: Trong quá trình lớn lên và phát triển, trẻ sẽ mắc nhiều sai lầm dù vô tình hay cố ý. Khi phạt trẻ bạn cần phải chú ý: Kiểm soát tinh thần của mình, không được quá nóng giận uy hiếp và đe dọa trẻ; Không nói những lời nặng nề khiến tổn thương trẻ; Nhưng lời nói nhẹ nhàng, ân cần sẽ có tác dụng hơn; Khi phạt không được nhượng bộ; Phạt xong bạn cần phải an ủi trẻ để trẻ thấy rằng bố mẹ rất quan tâm và thương yêu chúng.