Ngày 12/9/2022
Giai đoạn 2012-2021, tỉnh Quảng Ninh bố trí trên 1.655 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hơn 38,6 tỷ đồng từ ngân sách cấp huyện để thực hiện chương trình hành động vì trẻ em. Đến hết năm 2021 có 74.234 lượt trẻ em được hỗ trợ, trong đó có 69.533 trẻ em được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh, 90% trẻ dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ BHYT.
Đến hết năm 2021, Quảng Ninh có hơn 326.500 trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó gần 144.900 trẻ em dưới 6 tuổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ (BVCSGD) trẻ em đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp...
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của trung ương về BVCSGD trẻ em; các sở, ngành, địa phương đã đề xuất HĐND tỉnh ban hành một số văn bản, nghị quyết về chính sách đặc thù riêng của tỉnh hỗ trợ trẻ em về y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội... Giai đoạn 2012-2021, tỉnh bố trí trên 1.655 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hơn 38,6 tỷ đồng từ ngân sách cấp huyện để thực hiện chương trình hành động vì trẻ em.
Thực hiện chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, từ năm 2012 đến hết năm 2021 có 74.234 lượt trẻ em được hỗ trợ; trong đó có 69.533 trẻ em được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh, 90% trẻ dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ BHYT. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giảm còn 21,7% vào năm 2021. Trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ thuộc hộ nghèo, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên của Nhà nước.
Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện số 2 của tỉnh, nhận quà thăm hỏi của BGH nhà trường, tháng 12/2021.
Tỉnh đầu tư Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Qua đó mỗi năm chăm sóc, nuôi dưỡng từ 80-100 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng. Tỉnh thực hiện các chương trình phòng chống tệ nạn ma túy cho học sinh; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ...
Các địa phương luôn chủ động, tích cực trong công tác BVCSGD trẻ em; thành lập ban điều hành hệ thống BVCSGD trẻ em cấp huyện, ban BVCSGD trẻ em cấp xã. HĐND một số địa phương ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này, trong đó bố trí nguồn lực ưu tiên vì trẻ em.
Tiêu biểu như TX Đông Triều, từ năm 2013-2017 mỗi năm bố trí 1-1,5 tỷ đồng từ ngân sách thị xã chi công tác BVCSGD trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bổ sung thiết bị vui chơi cho các điểm vui chơi trẻ em; TX Quảng Yên từ năm 2018 đến nay bố trí 500 triệu đồng/năm; các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ từ năm 2000 đến nay bố trí 500 triệu đồng/năm cho công tác này...
Các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khu vui chơi cho trẻ. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh 61 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí cấp xã dành cho trẻ em; 1.534/1.543 thôn, khu có nhà văn hóa tạo chỗ vui chơi cho trẻ... Các sở, ngành, địa phương triển khai 10 mô hình chăm sóc trẻ em.
Hệ thống cơ sở, vật chất, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho trẻ em được cải thiện. Hệ thống các trường học được đầu tư hoàn thiện, quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu BVCSGD trẻ em. Tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử... cho học sinh vào chương trình giáo dục của nhà trường; thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng môi trường lành mạnh, không có bạo lực trong các cơ sở giáo dục...
Thông qua các hoạt động, các mô hình, từ năm 2012 đến nay có 334 trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập, 43 trẻ khiếm thính được học lớp học chuyên biệt; quản lý, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho hơn 560 trẻ vi phạm pháp luật và 4.200 trẻ hư có nguy cơ vi phạm pháp luật... 27.461 lượt người lớn, trẻ em được truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cứu trẻ đuối nước; 18.157 hộ gia đình ký cam kết đạt ngôi nhà an toàn. Các trường học ký cam kết an toàn giao thông, dạy bơi miễn phí cho gần 6.000 trẻ từ nguồn ngân sách tỉnh và 40.000 trẻ từ nguồn xã hội hóa.
Tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ đạt trên 98%. Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các địa phương tích cực thực hiện chính sách của trung ương về điều trị cho trẻ nhiễm Covid-19, cách ly y tế. Năm 2021 có gần 6.000 trẻ nhiễm Covid-19 và trẻ F1 được hưởng mức 80.000 đồng/người/ngày điều trị hoặc cách ly và hưởng thêm 1 triệu đồng/trẻ.
Xã hội hóa công tác trẻ em được tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đẩy mạnh. Trong 10 năm, tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ được hơn 248,8 tỷ đồng; trong đó Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được hơn 28,87 tỷ đồng, hỗ trợ 74.358 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức đoàn thể và tổ chức xã hội vận động hơn 96.000 tỷ đồng hỗ trợ 282.230 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh...
Với các giải pháp thiết thực, phù hợp trong công tác BVCSGD trẻ em do tỉnh và các ngành thực hiện đã giúp trẻ em trên địa bàn phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, trở thành những chủ nhân tương lai đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của tỉnh.
(Thành Nam-Báo dân sinh)