Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

CÔNG TÁC XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI       (1) HOTLINE 18001769 TƯ VẤN MIỄN PHÍ 24/7       (2) CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN, KHÁM SÀNG LỌC VÀ TRỊ LIỆU CHO TRẺ EM TỰ KỶ, RỐI NHIỄU TÂM TRÍ       (3) HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH       (4) HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN CỦA MUA BÁN NGƯỜI       (5) TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM      
Câu hỏi 3: Nghề công tác xã hội có những chức năng, nhiệm vụ gì trong quá trình giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường an sinh xã hội?

Câu hỏi 3: Nghề công tác xã hội có những chức năng, nhiệm vụ gì trong quá trình giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường an sinh xã hội?

Ngày 02-05-2024 Lượt xem 173

Trả lời: Nghề công tác xã hội thực hiện 4 chức năng và 9 nhiệm vụ như sau:

Nghề công tác xã hội thực hiện 4 chức năng:
- Chức năng phòng ngừa:
Với quan điểm tiếp cận phòng hơn chữa, chức năng đầu tiên của CTXH là phòng ngừa, ngăn chặn cá nhân, gia đình và cộng đồng rơi vào tình huống khó khăn chứ không phải để đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn rồi mới giúp đỡ. Chức năng phòng ngừa của CTXH thể thiện qua các hoạt động giáo dục, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về luật pháp, chính sách xã hội và những vấn đề xã hội. Đơn cử như hoạt động giáo dục cộng đồng về kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình hay tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội v.v. Thông qua các hoạt động giáo dục như vậy, CTXH đã giúp ngăn ngừa các vấn đề xã hội có thể xảy ra với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó chức năng phòng ngừa còn thể hiện thông qua các hoạt động xây dựng văn bản, chính sách xã hội góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, ngăn chặn gia tăng đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
- Chức năng can thiệp:Chức năng can thiệp (còn được gọi là chức năng chữa trị hay trị liệu) nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết vấn đề khó khăn họ đang phải đối mặt. Với từng vấn đề và với mỗi đối tượng khác nhau, nhân viên công tác xã hội sẽ có phương pháp can thiệp hỗ trợ riêng biệt. Ví dụ với những đối tượng có khó khăn về tâm lý, nhân viên công tác xã hội sẽ cung cấp dịch vụ tham vấn để đối tượng vượt qua khó khăn về tâm lý. Với những vấn đề cần phức tạp, cần nhiều nguồn lực, nhân viên công tác xã hội cần tìm kiếm, điều phối và kết nối các dịch vụ, nguồn lực đến với đối tượng.  Quy trình can thiệp của nhân viên công tác xã hội thường bắt đầu từ việc tiếp cận, đánh giá nhu cầu, xác định vấn đề, khai thác tiềm năng của đối tượng cho việc giải quyết vấn đề, lập kế hoạch giải quyết vấn đề, hỗ trợ đối tượng thực hiện kế hoạch và cuối cùng là đánh giá và kết thúc quá trình giúp đỡ. Phương pháp chủ đạo của CTXH là giúp cho đối tượng được tăng năng lực và tự giải quyết vấn đề của họ.
- Chức năng phục hồi:Chức năng phục hồi của CTXH thể hiện ở việc giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khôi phục lại chức năng tâm lý, xã hội đã bị suy giảm lấy lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động phục hồi, nhân viên công tác xã hội giúp cho đối tượng trở lại cuộc sống bình thường, hoà nhập cộng đồng. Ví dụ như giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng hay giúp trẻ lang thang trở về đoàn tụ với gia đình; giúp người nghiện, người hành nghề mại dâm trở lại cuộc sống bình thường, tái hoà nhập cộng đồng v.v.
- Chức năng phát triển:CTXH thực hiện chức năng phát triển thông qua các hoạt động xây dựng luật pháp, các chính sách, chương trình dịch vụ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng phát triển khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chức năng phát triển còn giúp đối tượng tăng năng lực và tăng khả năng ứng phó với các tình huống và  có nguy cơ cao dẫn đến những vấn đề khó khăn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ví dụ như xây dựng các luật cho các đối tượng yếu thế hay giải quyết các vấn đề xã hội, các chương trình quốc gia về giảm nghèo, chăm sóc bảo vệ trẻ em, các dịch vụ trực tiếp cung cấp kiến thức giúp phát triển cá nhân như kỹ năng sống, kỹ năng làm cha, mẹ, v.v.
* Nghề công tác xã hội có 9 nhiệm vụ:
1. Bảo vệ trẻ em: Cán bộ công tác xã hội đánh giá tình hình và môi trường chăm sóc của những trẻ em đang nghi ngờ là bị xâm hại hoặc sao nhãng. Cán bộ xã hội tham gia vào đánh giá, lên kế hoạch can thiệp, thực hiện quản lý trường hợp. Cán bộ công tác xã hội cũng can thiệp với gia đình và cộng đồng như tham vấn, trị liệu gia đình và giáo dục về mặt xã hội để giúp họ hiểu được nhu cầu của con em mình và nâng cao kỹ năng làm cha mẹ và tăng cường khả năng ứng phó, làm việc với các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ và gia đình tiếp cận dịch vụ cần thiết.Và vì sự an toàn của trẻ em là điều quan trọng nhất nên trong một số trường hợp người cán bộ xã hội sẽ thu xếp dịch vụ chăm sóc thay thế cho trẻ (còn gọi là “dịch vụ chăm sóc ngoài gia đình”). Các cán bộ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các dịch vụ chăm sóc thay thế (như chăm sóc bởi họ hàng, chăm sóc đỡ đầu, nhận con nuôi, các hình thức chăm sóc cộng đồng và chăm sóc ở trung tâm). Bảo vệ quyền lợi trẻ em tại các cơ quan tư pháp.
2. Tư pháp với người chưa thành niên: Trong các hệ thống toà án, cán bộ công tác xã hội có trách nhiệm trong việc cung cấp sự hỗ trợ về tâm lý xã hội cho trẻ em và vị thành niên trước toà án, cho dù với tư cách là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo. Trong các trường hợp cụ thể, họ đi cùng với trẻ em hoặc người chưa thành niên thay cho cha mẹ và người giám hộ. Các cán bộ công tác xã hội cũng góp phần giáo dục và hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em và vị thành niên phạm tội ví dụ phục hồi, hỗ trợ tái hoà nhập sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ các bước cụ thể trong việc phục hồi cho các em, ví dụ như tìm việc làm cho các em, hỗ trợ tâm lý xã hội.
3. Hỗ trợ các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng:Cán bộ công tác xã hội giúp đỡ các gia đình đánh giá và nâng cao khả năng để giải quyết các vấn đề của gia đình sử dụng các phương pháp như tham vấn gia đình. Một ví dụ về các vấn đề mà cán bộ công tác xã hội phải can thiệp là bạo lực trong gia đình. Cán bộ xã hội can thiệp để đảm bảo từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn và hoà thuận; giải quyết các bất hoà và xử lý các vấn đề. Cán bộ xã hội cùng làm việc trong những trung tâm, nhà tạm lánh hỗ trợ các phụ nữ bị bạo hành. Các cán bộ xã hội cũng có thể hỗ trợ những gia đình nghèo và thu nhập thấp tiếp cận đến các dịch vụ, thực hiện các quyền về phúc lợi.
4. Bảo trợ xã hội cho người già:Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu cung cấp dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt là người cô đơn để mang lại cho họ những hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc. Đồng thời cán bộ xã hội cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp để điều phối dịch vụ cần đáp ứng. Cán bộ xã hội cũng tham gia quản lý các loại hình chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội và có thể sẽ cùng hợp tác với các trung tâm này để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội cho những người cần loại hình hỗ trợ này.
5. Bảo trợ xã hội cho người khuyết tật:Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật. Đồng thời, cũng tham gia đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp họ cần thiết, cán bộ xã hội cũng cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người khuyết tật và gia đình của họ. Cán bộ xã hội cũng tham gia quản lý các loại hình chăm sóc tập trung các cơ sở bảo trợ xã hộ cho người khuyết tật.
6. Phát triển cộng đồng:Cán bộ công tác xã hội giúp cộng đồng xác định các vấn đề trong cộng đồng của mình và hỗ trợ họ tìm được những nguồn lực cần thiết. Những thiếu hụt nguồn lực này có thể là cơ sở vật chất ví dụ như thiếu địa điểm vui chơi cho trẻ em. Cán bộ công tác xã hội cũng có thể giúp đỡ cộng đồng bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển và truyền tải những vấn đề này đến các chính quyền và những nhà chính sách có liên quan.
7. Công tác xã hội trong trường học:Các vấn đề trong cuộc sống gia đình hoặc trong trường phổ thông, trường cao đẳng, đại học có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên. Cán bộ xã hội hỗ trợ học sinh, tác động đến nhà trường, gia đình và cộng đồng để giúp học sinh, sinh viên đạt được mục tiêu học tập. Cán bộ xã hội trong trường học có sử dụng các phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm hoặc tham vấn, trị liệu gia đình, tổ chức cộng đồng, can thiệp khủng hoảng, tư vấn, tuyên truyền, tập huấn, xây dựng chính sách và điều phối chương trình.
8. Sức khoẻ, một phần của sức khỏe tâm thần (tại các bệnh viện và phòng khám):Cán bộ xã hội hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động tiêu cực của bệnh tật. Trong những trường hợp để lại tác động lâu dài, cán bộ công tác xã hội sẽ cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân. Họ có thể sẽ đánh giá và hỗ trợ tiếp cận đến những dịch vụ hỗ trợ sẵn có.
9. Nghiên cứu xã hội và hoạch định chính sách xã hội:Các cán bộ công tác xã hội tiến hành nghiên cứu các vấn đề xã hội có tác động đến các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Họ cũng hỗ trợ chính quyền có liên quan xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình an sinh xã hội, ví dụ như đóng vai trò là tham mưu chính sách và cán bộ quản lý chương trình xã hội tại các cơ quan nhà nước

wiget Chat Zalo
Messenger Chat