Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

CÔNG TÁC XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI       (1) HOTLINE 18001769 TƯ VẤN MIỄN PHÍ 24/7       (2) CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN, KHÁM SÀNG LỌC VÀ TRỊ LIỆU CHO TRẺ EM TỰ KỶ, RỐI NHIỄU TÂM TRÍ       (3) HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH       (4) HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN CỦA MUA BÁN NGƯỜI       (5) TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM      
Tầm quan trọng việc phát hiện, can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển

Tầm quan trọng việc phát hiện, can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển

Ngày 20-09-2024 Lượt xem 49

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính trên toàn thế giới, cứ khoảng 100 trẻ thì có 01 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Còn tại Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Và thực tế số trẻ tự kỷ có thể cao hơn con số thống kê bởi nhiều trẻ chưa được phát hiện hoặc phát hiện, chẩn đoán muộn...

Hiện nay, trẻ mắc chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ngày càng nhiều ở Việt Nam. Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí là rất quan trọng. Vì khi phát hiện càng sớm thì việc can thiệp, khắc phục sẽ có kết quả cao hơn, trẻ càng có nhiều cơ hội phát triển và hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống.

Quan trọng nhất chính là thời điểm trẻ được phát hiện là có vấn đề, và ai là người đã phát hiện ra vấn đề khó khăn đang gặp phải của trẻ - Người trực tiếp giáo dục con (Cha, mẹ, người nuôi dưỡng trẻ) từ khi con còn bé, giúp trẻ phát triển thể chất và hình thành nhân cách, phát triển toàn diện cả sức khỏe, tri thức và hành vi. Tuy nhiên, hiện nay điều đáng báo động là nhiều bậc cha, mẹ không phát hiện ra con mình tự kỷ, rối nhiễu tâm trí hoặc không chịu thừa nhận con mình mắc chứng bệnh này, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn. Phần đông trẻ được chẩn đoán tự kỷ, rối nhiễu tâm trí khi đã quá 03 tuổi. Thời điểm can thiệp tốt nhất cho trẻ tự kỷ là trong ba năm đầu đời, do bộ não có tính linh hoạt, nơron thần kinh liên kết lỏng nên dễ nối kết. Những biểu hiện của chứng tự kỷ khá đa dạng và có mức độ khác nhau, đa phần phụ huynh chưa có hiểu biết về hội chứng này. Do vậy, có những trẻ bị mắc chứng bệnh thể nhẹ thường được gia đình cho đi khám chẩn đoán muộn, có nhiều trẻ đến lúc đi học tiểu học mới được phát hiện, khiến trẻ mất đi cơ hội can thiệp sớm và sự cải thiện của trẻ sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chủ quan, không để ý đến con khi có các dấu hiệu tự kỷ nhẹ khiến tình trạng bị kéo dài nặng, làm cản trở sự phát triển của trẻ và gây khó khăn trong quá trình can thiệp, trị liệu. Trẻ mắc chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi “hành vi không phù hợp” - những hành vi này gây cản trở cho trẻ trong việc tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân trẻ và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ, rối loạn tâm trí là một vấn đề cấp bách và rất quan trọng, bởi nếu được phát hiện sớm, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để trị liệu và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Với mục đích tăng cường cung cấp các dịch vụ tại cộng đồng, nâng cao nhận thức cho các cha, mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm giúp trẻ có những biểu hiện tự kỷ, rối nhiễu tâm trí được can thiệp. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện Mô hình cung cấp dịch vụ sàng lọc, đánh giá, tư vấn, trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm.        

Ảnh: Cán bộ Trung tâm đang đánh giá sàng lọc, thực hiện tư vấn tại chỗ cho gia đình trẻ.

Hiện nay, Trung tâm đã áp dụng công cụ sàng lọc, đánh giá bằng test DenverII, PEP - R; Thang đo tăng động giảm chú ý; Bảng liệt kê hành vi…; Sau khi đánh giá sàng lọc, thực hiện tư vấn tại chỗ cho gia đình trẻ. Tiến hành lập hồ sơ để quản lý trẻ trong cả quá trình trị liệu tâm lý và sau khi trị liệu. Các hình thức can thiệp sớm cho trẻ theo lộ trình trị liệu cá nhân và trị liệu nhóm. Trị liệu cá nhân (01 cô trị liệu cho 01 trẻ): Xây dựng kế hoạch trị liệu cho 01 trẻ dựa theo các mức độ phát triển thực tế trên 7 lĩnh vực phát triển và 4 thang hành vi, cá nhân xã hội, khả năng tự phục vụ của trẻ; Mỗi trẻ được can thiệp trung bình 60 phút/ca, số ca 2-5 ca/tuần (tùy theo vấn đề của trẻ); Giáo dục viên tiến hành xây dựng kế hoạch hàng tháng, hàng quý và cả đợt (3 tháng hoặc 6 tháng) đối với trẻ và triển khai hoạt động trị liệu tâm lý đối với từng trẻ; Đánh giá kết quả can thiệp trị liệu. Trị liệu nhóm ( 02 cô trị liệu cho nhóm từ 03-15 trẻ); Trung bình số lần trị liệu nhóm 01 lần/tuần; Mục đích giúp trẻ nhận biết thế giới xung quanh trẻ, tương tác và giao tiếp xã hội, âm nhạc, hoạt động tập thể...

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Mô hình cung cấp dịch vụ sàng lọc, đánh giá, tư vấn, trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện trị liệu miễn phí cho gần 40 trẻ bị tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển... Đa số trẻ trong độ tuổi từ 02 đến 05 tuổi. Sau thời gian can thiệp, trị liệu, các trẻ đã có sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 02 đến 03 tuổi. Những trẻ rối loạn phổ tự kỷ, bản thân trẻ có rất nhiều hạn chế như: không có sự tương tác, giao tiếp, kèm nhiều hành vi điển hình, tăng động giảm chú ý, sau một đợt can thiệp trẻ đã biết giao tiếp bằng mắt, chú ý hơn, thực hiện theo lệnh tốt hơn, đặc biệt trẻ giảm những hành vi không tốt như ăn những thứ không phải đồ ăn, đập, xé đồ dùng. Trong số 06 trẻ được can thiệp tại Trung tâm, sau khi đánh giá lại lần 2 có 05 trẻ có vấn đề về phát triển ngôn ngữ như chậm nói, nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ. Sau thời gian can thiệp, trẻ đã tự tin trong giao tiếp hơn, nói rõ hơn, phát triển được câu dài, chủ động nói và thực hiện theo lệnh tốt hơn... Qua nghiên cứu và thực tiễn cho thấy: Để điều trị cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển đạt hiệu quả cao, “chìa khóa” quan trọng nhất chính là “phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ”.

Trong thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng, phát triển Mô hình cung cấp dịch vụ sàng lọc, đánh giá, tư vấn, trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí, trẻ chậm phát triển...với mục tiêu lấy trẻ là trung tâm trong mọi hoạt động, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí, trẻ chậm phát triển...đồng thời chia sẻ gánh nặng với gia đình trẻ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Một số hình ảnh trị liệu trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển tại Trung tâm:

        

Trần Thị Ngọc Yến - Trung tâm CTXH Quảng Ninh

wiget Chat Zalo
Messenger Chat