Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

CÔNG TÁC XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI       (1) HOTLINE 18001769 TƯ VẤN MIỄN PHÍ 24/7       (2) CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN, KHÁM SÀNG LỌC VÀ TRỊ LIỆU CHO TRẺ EM TỰ KỶ, RỐI NHIỄU TÂM TRÍ       (3) HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH       (4) HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN CỦA MUA BÁN NGƯỜI       (5) TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM      
 Câu hỏi: Những nguyên nhân và các vấn đề liên quan đến rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần ở trẻ em?

Câu hỏi: Những nguyên nhân và các vấn đề liên quan đến rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần ở trẻ em?

Ngày 11-04-2024 Lượt xem 129

Trả lời:
Chúng ta đã biết nguyên nhân của rối nhiễu tâm lý có thể xuất phát từ một trong ba lý do chính, nhưng cũng có thể bao gồm cả ba là: Sinh học (bao gồm di truyền), tâm lý và môi trường xã hội
Sinh học:
Trong một số rối nhiễu, như tự kỷ hay chậm phát triển thì di truyền là một yếu tố cần được xem xét. Gần đây có những nghiên cứu cho rằng gen có ảnh hưởng đến rối nhiễu tâm trí, cụ thể là chứng tự kỷ, họ cho rằng người mắc chứng tử kỷ gặp trục trặc với các gen X, gen số 15, gen số 11. Tuy nhiên mối liên hệ giữa các gen này với chứng tự kỷ vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Về tính di truyền, các nghiên cứu cho thấy trẻ sinh đôi cùng trứng có nguy cơ cùng mắc tự kỷ là 36%. Tỉ lệ này ở sinh đôi khác trứng thấp hơn nhiều. Ở những trẻ là anh chị em ruột có nguy cơ cao hơn khoảng 50 - 100 lần so với người bình thường. Có khoảng 2 - 3% trẻ có anh chị em ruột mắc chứng tự kỷ cũng mắc chứng này. Một tỉ lệ rất nhỏ các trẻ khác dù không có kết luận mắc chứng tự kỷ nhưng vẫn có một vài biểu hiện suy giảm khả năng về ngôn ngữ hay giao tiếp…
Tâm lý:
Trong một tiến trình trị liệu những rối nhiễu tâm lý của trẻ em, ngoài những can thiệp và chương trình trị liệu của các nhà chuyên môn như chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần nhi hay giáo viên đặc biệt… thì các biện pháp giáo dục thích hợp của phụ huynh áp dụng cho trẻ tại gia đình có một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ những nguy cơ cũng như nâng cao hiệu quả trị liệu, góp phần quan trọng trong việc giúp trẻ có những khả năng hội nhập với cuộc sống bình thường.
Yếu tố môi trường:
Trước đây, khi chưa có những nghiên cứu sâu về những ảnh hưởng lên hệ thần kinh của thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đa phần mọi người, kể cả những nhà chuyên môn đều cho rằng, đứa trẻ sinh ra vốn bình thường, nhưng do yếu tố môi trường, đặc biệt là sự thiếu vắng chăm sóc của bà mẹ, hay do sự chăm sóc không đúng cách đã tạo ra những rối nhiễu tâm lý cho trẻ. Chẳng hạn, đối với những trẻ chậm nói hay có rối nhiễu trong quan hệ ứng xử như hội chứng tự kỷ, sự thiếu chăm sóc, trò chuyện của bố mẹ thường được xem là nguyên nhân chính.
Điều này không sai, nhưng không thể giải thích cho những trường hợp trẻ mặc dù bị bỏ mặc ngay từ khi mới sinh hoặc thiếu thốn sự chăm sóc đủ ở mọi phương diện, nhưng vẫn phát triển bình thường, và dù được chăm sóc tận tình ngay từ khi sinh ra, trẻ vẫn bị tự kỷ hay hiếu động, chậm nói như thường!
Như vậy, yếu tố môi trường góp phần vào việc làm cho tình trạng rối nhiễu tâm trí ở trẻ trở nên kéo dài hơn và khó điều chỉnh hơn. Tuy nhiên, có một yếu tố rõ ràng gây ra cho trẻ những ảnh hưởng bất lợi về phát triển ngôn ngữ đó là việc trẻ xem TV quá sớm, quá nhiều. Đây là hệ quả của việc nhiều người lớn do không để ý hoặc do có những suy nghĩ sai lầm nên cho rằng trẻ xem TV sẽ mau biết bắt chước các hình ảnh, âm thanh mà các chương trình quảng cáo, ca nhạc thiếu nhi đem lại. Hay, đơn giản hơn việc cho trẻ xem TV để ăn dễ dàng hơn sẽ dần dần khiến trẻ không chịu ăn nếu không được xem TV!
Việc giao con cho ông bà, hay cho người giúp việc ít nói, không biết cách chơi đùa với trẻ cũng là một yếu tố nguy cơ gây nên một số rối nhiễu tâm trí khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi lên hai hay lên ba.
Ngoài ra cách ứng xử và chăm sóc của những người thân, đặc biệt là bố mẹ, cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành những rối nhiễu tâm lý ở trẻ em.
Trước hết, đó là tính cách của bà mẹ. Ngoài những tình trạng có thể gây ra các bệnh tâm thể ở đứa trẻ, việc không biết cách cho con bú, không có những kiến thức và kỹ năng chăm sóc con, hay những cách ứng xử quá cứng rắn hay quá chiều chuộng, cũng sẽ gây ra những tác động đến tình trạng tâm lý của trẻ.
Những kỳ vọng quá nhiều vào đứa con như mong muốn nó được thông minh, phát triển mọi thứ năng khiếu, thậm chí là trở thành “thần đồng” cũng tạo ra những áp lực không nhỏ nơi trẻ, khiến cho những em mà hệ thần kinh không vững vàng sẽ bị ngã gục với những gánh nặng chất lên vai.
Vì thế, đối với trẻ có rối nhiễu tâm trí, thái độ ứng xử của người bố, hay người mẹ là một yếu tố quan trọng. Chính những nhận thức hợp lý, sự kiên trì của bố mẹ trong việc vận dụng các bài tập, các kỹ năng cho trẻ sẽ góp phần rất lớn vào việc giúp trẻ có những biến chuyển tích cực, ổn định tâm lý và phát triển khả năng ngôn ngữ.
Tóm lại, do rối nhiễu tâm trí chịu tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, nên việc chăm sóc, giáo dục và trị liệu không thể là một tiến trình đơn giản giữa một thày thuốc và bệnh nhân, mà đó là một cuộc hành trình của một ê kíp, một nhóm người đi cùng đứa trẻ, giúp đỡ và hỗ trợ cho trẻ tuỳ theo nhu cầu của nó và năng lực chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, sự cộng tác chặt chẽ của bố mẹ trong việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật giáo dục trong gia đình là một yếu tố thuận lợi để trẻ đạt được kết quả tốt đẹp.
 

wiget Chat Zalo
Messenger Chat