Gia đình là nơi đứa trẻ nhận được sự giáo dục cảm xúc đầu tiên. Thời thơ ấu trẻ học được những bài học xúc cảm quan trọng nhất và những bài học ấy đôi khi quyết định tiến trình cả cuộc đời của một con người. Sự giáo dục xúc cảm của bố mẹ không chỉ qua những gì bố mẹ nói và làm đối với con cái mà còn bằng tấm gương của bố mẹ trong quan hệ xúc cảm đối với nhau. Bố mẹ cần chỉ cho con thấy là có nhiều cách để phản ứng; dạy và giúp con chế ngự cảm xúc và tìm được cách giải quyết vấn đề theo lối tích cực. Bố mẹ có ảnh hưởng đến sự am hiểu xúc cảm bắt đầu từ lúc trẻ nằm trong nôi
Trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều tạo ra cho mình rất nhiều mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Nhưng mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất là mối quan hệ giữa người mẹ với đứa con của mình. Thực ra, mối quan hệ này, trước đây, chúng ta chưa quan tâm đến nhiều cũng như không tìm hiểu rõ sự ảnh hưởng của nó tới quá trình phát triển nhân cách, tâm lý của đứa trẻ tới những thay đổi tâm lý của chính người mẹ. Mãi đến giữa những năm 60 của thể kỷ XX, các nhà tâm lý học mới đi sâu tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt này và sử dụng thuật ngữ “sự gắn bó” để diễn tả nó. Sự gắn bó mẹ con được đặc trưng bởi cảm xúc nồng ấm cùng với sự giao lưu tình cảm sâu sắc giữa mẹ và con.
Trẻ bị RNTT rất cần sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi của người thân, đặc biệt là của người mẹ. Bởi mẹ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình. Trẻ từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng nhiều từ người mẹ. Trẻ được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau...Sự quan tâm của người mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Để phòng, điều trị RNTT, phục hồi chức năng cho trẻ em, người mẹ có một vai trò hết sức lớn và đặc biệt quan trọng, bởi:
- Theo tự nhiên, người mẹ có điều kiện gần trẻ sớm nhất;
- Người mẹ thường được gia đình và xã hội gắn cho trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ và được tạo điều kiện để gần con cả trong sinh hoạt và trong khi ngủ;
- Trẻ luôn muốn nghe mẹ, tin tưởng mẹ;
- Trẻ dễ bắt chước hành vi của mẹ (lời nói, ứng xử, việc làm…);
- Khi bị ốm, trẻ luôn muốn gần mẹ, và tình cảm mẫu - tử mang bản chất tự nhiên, sinh tồn, luôn mạnh hơn các dạng tình cảm xã hội khác.
Thực tế, phần lớn tác động đến trẻ cần được bắt đầu từ người mẹ và thông qua người mẹ. Bỏ sót hoặc xem nhẹ đối tượng người mẹ trong hoạch định công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ nói chung và phòng chống rối nhiếu tâm trí ở trẻ nói riêng là một nguyên nhân đưa đến thất bại hiện nay.
Những vấn đề dưới đây nếu được người mẹ làm tốt thì rất có lợi cho sức khỏe tâm trí của trẻ. Người mẹ, nên bắt đầu những hoạt động này ngay từ giai đoạn mang thai, sinh con, và các hoạt động chăm sóc sau sinh:
- Giúp đỡ trẻ và lắng nghe trẻ;
- Dành thời gian cùng trẻ làm những điều trẻ thích làm;
- Khuyến khích trẻ chơi với bạn bè, tìm hiểu xung quanh;
- Khuyến khích trẻ trò chuyện với những người trẻ tin tưởng;
- Dành cho trẻ những sự giúp đỡ ở bên ngoài như: nói chuyện với bạn bè của trẻ và thầy cô giáo để giúp hiểu chuyện gì đang xảy ra tại trường lớp, từ đó có những biện pháp hỗ trợ tích cực và kịp thời;
- Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ;
- Tìm hiểu cảm xúc của trẻ một cách nghiêm túc và khuyến khích trẻ nói về bản thân;
- Khuyến khích trẻ suy nghĩ theo hướng tích cực;
- Trẻ có thể có vấn đề nào đó, nhưng trẻ cần biết rằng mẹ sẽ không căm ghét hay từ bỏ chúng. Trẻ cần biết mẹ có thể giúp chúng chế ngự các cảm xúc của bản thân.
- Trẻ có thể cần giúp đỡ để đương đầu với các vấn đề hàng ngày liên quan đến gia đình, bạn bè và nhà trường.
Ngoài ra, để phòng và điều trị RNTT cho trẻ, cha mẹ cần phải hiểu tâm lý và những nhu cầu thiết yếu của trẻ, từ đó có những hành xử phù hợp với trẻ.