Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

CÔNG TÁC XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI       (1) HOTLINE 18001769 TƯ VẤN MIỄN PHÍ 24/7       (2) CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN, KHÁM SÀNG LỌC VÀ TRỊ LIỆU CHO TRẺ EM TỰ KỶ, RỐI NHIỄU TÂM TRÍ       (3) HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH       (4) HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN CỦA MUA BÁN NGƯỜI       (5) TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM      
Những dấu hiệu nhận biết rối loạn phổ tự kỷ ở giai đoạn nhỏ.

Những dấu hiệu nhận biết rối loạn phổ tự kỷ ở giai đoạn nhỏ.

Ngày 13-11-2024 Lượt xem 42

Những dấu hiệu nhận biết rối loạn phổ tự kỷ ở giai đoạn nhỏ.

 

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Khi cuộc sống đang ngày càng phát triển, các vấn đề của trẻ đang ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn, khó chẩn đoán hơn. Có rất nhiều các Trung tâm, các cơ sở giáo dục chuyên biệt được thành lập để hỗ trợ trẻ và gia đình, nhưng có không ít những gia đình chưa có sự quan tâm sát sao để phát hiện sớm vấn đề của con và đưa đi đánh giá, can thiệp sớm, điều này đã gây khó khăn trong quá trình can thiệp cho trẻ rất nhiều. Nếu trẻ được phát hiện sớm và đưa đi đánh giá, can thiệp sớm trong giai đoạn tuổi vàng (từ 2 - 4 tuổi) thì khả năng cải thiện vấn đề của con sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn việc phát hiện vấn đề của con khi con đã qua giai đoạn tuổi vàng.

(Cán bộ Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Quảng Ninh thực hiện sàng lọc, đánh giá trẻ)

Nhận thức được vấn đề này, các chuyên gia tâm lý luôn đề nghị cha, mẹ/người chăm sóc trẻ cần có những kiến thức nhất định trong quá trình chăm sóc trẻ để phát hiện kịp thời các vấn đề của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ em rối loạn phổ tự kỷ là không giống nhau ở từng đứa trẻ, cũng như ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ. Tuy nhiên, dựa trên những dấu hiệu cơ bản ở các giai đoạn phát triển chúng ta có thể theo dõi các biểu hiện, hành vi, cảm xúc của trẻ, ở mỗi giai đoạn khác nhau các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ được bộc lộ khác nhau.

1. Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi

- Dễ la hét, cáu giận

- Không với lấy đồ vật khi đưa trước mặt trẻ.

- Không có những âm thanh bi bô.

- Thiếu nụ cười giao tiếp.

- Thiếu giao tiếp bằng mắt.

- Không có phản ứng khi được kích thích.

- Phát triển vận động có thể bình thường

2. Giai đoạn từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi

- Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm.

- Không thân thiện với cha mẹ.

- Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.

- Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, “Bye-bye”).

- Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ.

- Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em.

- Thích nhìn ngắm các bàn tay của mình.

- Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng.

- Thích đi kiễng chân - đi bằng 5 đầu ngón chân.

- Thường phát ra các âm thanh vô nghĩa

3. Giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi

- Thích chơi một mình, không kết bạn, tránh giao tiếp.

- Không nói được từ có 2 tiếng trở lên khi đã 2 tuổi.

- Thích xem sách, tạp chí, các nhãn mác và logo quảng cáo.

- Coi người khác như một công cụ kéo tay người khác khi muốn yêu cầu.

- Chưa biết dùng ngón trỏ để chỉ điều trẻ muốn.

- Sử dụng đồ chơi không thích hợp.

- Không có nỗi sợ giống trẻ bình thường, đồng thời có những hoảng sợ một cách vô cớ.

- Không hợp tác với sự chỉ dẫn, dạy bảo của người lớn.

- Không biết gật đầu đồng ý và lắc đầu không đồng ý.

- Tránh giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện.

- Không đoán biết được những nguy hiểm.

- Thích ngửi hay liếm đồ vật.

- Thích chạy vòng vòng…

Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều có những dấu hiệu cơ bản để nhận biết, cha mẹ/người chăm sóc cần có sự quan tâm, chú ý đến trẻ để phát hiện những dấu hiệu ban đầu, từ đó đưa trẻ đi thăm khám, đánh giá, để được tư vấn kế hoạch can thiệp hỗ trợ trẻ trong giai đoạn tiếp theo. Việc phát hiện sớm, đánh giá sớm, can thiệp sớm là cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, và cha, mẹ/người chăm sóc trẻ là những người mở then chốt đầu tiên. 

Gia đình có nhu cầu có thể liên hệ theo số tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 để đăng ký lịch đánh giá, sàng lọc, trị liệu miễn phí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh. Địa chỉ của Trung tâm: Số 35A Điện Biên Phủ, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hương Thảo - Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh

wiget Chat Zalo
Messenger Chat