Những khó khăn trong quá trình can thiệp, trị liệu đối với trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc rối loạn phổ tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Riêng tại Việt Nam, hiện nay chưa có nhiều con số thống kê chính xác tỷ lệ trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Theo công bố của Tổng cục Thống kê (tháng 1/2019), nước ta có khoảng 1 triệu người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ ước tính là 1% số trẻ sinh ra. Con số đó rất lớn, tạo gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Theo báo cáo các năm 2021-2022 của Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhi mắc rối loạn phổ tự kỷ dao động trong khoảng 1,5-2%. Số lượng trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, do nhận thức của cộng đồng xã hội và các bậc cha mẹ về hội chứng này ngày càng sâu rộng hơn.
Được triển khai từ năm 2013 cho đến nay, Mô hình sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tư vấn, can thiệp, trị liệu cho hàng trăm trẻ, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và gia đình trẻ trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã và đang thực hiện sàng lọc, đánh giá, tư vấn, trị liệu miễn phí cho gần 50 trẻ bị tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển... Đa số trẻ trong độ tuổi từ 02 đến 05 tuổi. Sau thời gian can thiệp, trị liệu, các trẻ đã có sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 02 đến 03 tuổi. Đó là những kết quả rất đáng được ghi nhận.
Ảnh: Can thiệp, trị liệu cá nhân cho trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình can thiệp, trị liệu cho trẻ, Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn:
Nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ về vấn đề tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, có những trường hợp sau khi sàng lọc đánh giá phát hiện vấn đề của trẻ nhưng gia đình không chấp nhận sự thật, từ chối tham gia. Nhiều gia đình hiện nay vẫn chưa chấp nhận việc con mình có vấn đề, hạn chế và gây khó khăn, thờ ơ trong quá trình cho trẻ thực hiện can thiệp, trị liệu.
Phát hiện, đưa trẻ đi can thiệp muộn: Cũng có rất nhiều gia đình nhận thấy được vấn đề của trẻ, tuy nhiên đa phần khi gia đình phát hiện rõ những biểu hiện của trẻ để đưa trẻ đi can thiệp, trị liệu thì trẻ đã qua giai đoạn “tuổi vàng” (từ 0-3 tuổi) để can thiệp, trị liệu, làm hạn chế sự phát triển, cũng như kéo dài thời gian trị liệu của trẻ hơn. 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã và đang can thiệp, trị liệu miễn phí cho gần 50 trẻ chậm phát triển, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, trong đó có 29 trẻ trên 3 tuổi. Trong số 29 trẻ này, có 11 trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Do gia đình phát hiện và đưa trẻ đi can thiệp muộn nên sự tiến bộ của trẻ trên 03 tuổi chậm hơn nhiều so với trẻ dưới 03 tuổi. Đặc biệt là những trẻ lớn, đã hoặc chuẩn bị vào lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn khi đi học giáo dục hòa nhập. Thậm chí, có những gia đình đã rất vất vả, hằng ngày phải theo đến trường Tiểu học để hỗ trợ trẻ.
Thiếu sự phối kết hợp của gia đình trong việc dạy trẻ: Trong điều trị can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, gia đình đóng vai trò quan trọng. Trẻ tự kỷ có tiến bộ hay không phụ thuộc lớn vào cách chăm sóc của gia đình. Tuy nhiên, sự hiểu biết, cách chăm sóc trẻ tự kỷ của nhiều phụ huynh hiện nay vẫn còn hạn chế.
Gia đình là nhân tố rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hàng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ và kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh. Gia đình là nơi hiểu trẻ nhất, đặc biệt là về những nhu cầu riêng biệt. Những thành viên trong gia đình chính là người đầu tiên có thể tạo cơ hội giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội, là hình mẫu cho trẻ về cách ứng xử. Nếu cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.
Theo các chuyên gia, hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh,… Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Việc cha mẹ nắm vững các kỹ năng cơ bản để dạy trẻ tự kỷ tại nhà tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình can thiệp như chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi ít nhất 3 giờ/ngày; cho trẻ đếp lớp, hạn chế xem tivi; dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh; dạy các cử chỉ giao tiếp, dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác; bắt chước các động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản; nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ; giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần; sai trẻ làm việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh; vận động tinh như xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán; vận động thô như đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng; kích thích cảm giác khác nhau vào da, cơ, khớp như mát xa, chải, xoa bóp, ép khớp; tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép. Dứt khoát hành vi sai, lờ đi khi trẻ ăn vạ; luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi khi trẻ tiến bộ dù là nhỏ nhất.
Trong quá trình can thiệp, trị liệu cho trẻ tại Trung tâm, nhiều gia đình trẻ không quan tâm hoặc thiếu hợp tác với cán bộ trị liệu của Trung tâm: Nhiều gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ; không dành thời gian chơi với trẻ hoặc không thực hiện các bài tập tại nhà với trẻ; không trang sắm các đồ dùng cần thiết để thực hiện các bài tập cho trẻ tại nhà...Thậm chí có những gia đình khi nhân viên của Mô hình thông tin về việc học của trẻ khi trị liệu tại Trung tâm thì bố mẹ lại rất thờ ơ, không có sự phản hồi hai chiều giữa gia đình và nhân viên trị liệu... nhiều bố mẹ trẻ phó mặc cho ông bà chăm sóc, đưa trẻ đến Trung tâm can thiệp, trị liệu... Vì vậy, cán bộ của Trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc trị liệu cho trẻ khi gia đình thiếu sự quan tâm, hợp tác.
Vấn đề khó khăn nhất là việc can thiệp, trị liệu cho những trẻ tự kỷ nặng, điển hình: Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đang can thiệp cho khoảng 15 trẻ chậm phát triển, tự kỷ nặng. Điển hình như một số trường hợp sau: (1) Cháu T.A (tuổi thực: 50 tháng nhưng tuổi phát triển có 19 tháng; các lĩnh vực phát triển đều chậm hơn so với tuổi rất nhiều, trẻ hay cáu, đập phá đồ đạc; tăng động giảm chú ý; không ngồi yên một chỗ; không hiểu lệnh, nói âm vô nghĩa); (2) cháu M.K (tuổi thực: 63 tháng, tuổi phát triển: 28 tháng; tập trung chú ý hạn chế; ít giao tiếp mắt, nhìn nghiêng, đi nhón gót, hiểu lệnh chậm; ngôn ngữ chỉ nói được âm e, a, nói một số từ đơn...), (3) cháu T.U (tuổi thực: 57 tháng, tuổi phát triển: 28 tháng; một số lĩnh vực phát triển chậm so với tuổi, ít giao tiếp mắt, gọi không phản ứng, tập trung chú ý hạn chế; ít thực hiện theo lệnh; về ngôn ngữ chưa chủ động nói, ít vốn từ, nói dập khuôn, hiểu lệnh chậm..), (4) N.T ( tuổi thực: 49 tháng, tuổi phát triển: 33 tháng; các lĩnh vực phát triển chậm hơn so với tuổi; phản ứng các giác quan chậm; phản ứng sợ khi bị hỏi nhiều, khi ra môi trường lạ thì khóc; ngôn ngữ: hay nhại lời, rối loạn ngôn ngữ (nói linh tinh cả tiếng Anh và tiếng Việt)...
Mặc dù cán bộ trị liệu của Trung tâm cũng đã rất tâm huyết, tích cực cải thiện các vấn đề của trẻ chậm phát triển, tự kỷ nặng. Tuy nhiên, sự tiến bộ của trẻ là rất chậm, thậm chí có trường hợp trẻ không tiến bộ. Trước khi đưa trẻ đến Trung tâm để can thiệp, nhiều gia đình đã đưa trẻ đi nhiều nơi để can thiệp trị liệu từ các Bệnh viện tuyến tỉnh đến các bệnh viện tuyến Trung ương, các cơ sở can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ ở Hà Nội...nhưng không có kết quả. Đối với những trẻ bị tự kỷ nặng, tuy rằng sự tiến bộ của trẻ là rất chậm nhưng cũng đem lại niềm vui rất lớn cho gia đình trẻ sau những nỗ lực cố gắng, vất vả của cô, trò và gia đình.
Ảnh: Can thiệp, trị liệu nhóm cho trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Có thể nói, việc trị liệu và nuôi dạy trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí còn gặp muôn vàn khó khăn. Nhận thức của gia đình, cộng đồng; rào cản của xã hội; nguyên nhân khách quan hay chủ quan đều tác động đến sự phát triển của trẻ.
Hy vọng trong thời gian tới, qua các hoạt động truyền thông, nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực tâm thần, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ được rõ ràng hơn; công tác xã hội đã được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng, gia đình, người chăm sóc trẻ trong cộng đồng được biết, hiểu và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Hoàng Thị Nhã Phương - Trung tâm CTXH Quảng Ninh