Câu hỏi: Cha mẹ cần làm gì khi có con bị rối nhiễu tâm trí?

Trả lời:
 
Việc chăm sóc và giáo dục một trẻ có nhu cầu đặc biệt hay rối nhiễu tâm trí không đơn thuần chỉ là những kỹ thuật hay biện pháp nhằm chuyển giao cho trẻ những kiến thức và năng lực cần có như ở một trẻ bình thường. Mà đó là cả một chiến lược mang tính can thiệp toàn diện, để tác động đến toàn bộ nhân cách của trẻ, giúp trẻ phát triển nội lực và xây dựng được các mối quan hệ giao tiếp ứng xử, để có thể thay đổi nhận thức và hành vi nhằm giúp trẻ thích ứng với tình trạng của chính mình. Nói cách khác, đó là giúp trẻ hiểu mọi người và mọi người hiểu trẻ.
Trong quá trình thực hiện các hoạt động can thiệp, trị liệu thì người chăm sóc trẻ đóng một vai trò vô cùng quan trọng, cho nên bản thân người chăm sóc cũng phải tự trau dồi kiến thức, kỹ năng để chăm sóc và giáo dục trẻ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ có con rối nhiễu tâm trí cho biết để có thể ‘chấp nhận’ rằng con họ bị khiếm khuyết là cả một hành trình dài với không ít thăng trầm. Dù có nhận được sự giúp đỡ từ phía các chuyên gia trong giai đoạn khó khăn này, nhưng không ai có thể nói cho bạn biết nên cảm thấy như thế nào. Tuy nhiên những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn điều khiển cảm xúc để đối phó với tình huống một cách tốt hơn. 
1. Dành thời gian cho bản thân
- Phải làm thêm bất kỳ việc nào cho trẻ có nghĩa là người chăm sóc có thêm trách nhiệm. Nhiều khi, người chăm sóc trẻ thường dành phần lớn thời gian cho trẻ mà quên đi bản thân mình. Tuy nhiên bạn cần phải lên kế hoạch và đảm bảo thời gian cho bản thân để ‘nạp năng lượng’ cho cơ thể.
- Hãy nhờ cậy sự giúp đỡ của những người xung quanh và đừng từ chối lời đề nghị trông trẻ của bạn bè và người thân, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn, để giảm bớt gánh nặng cho bạn. Bạn sẽ thấy rằng, chỉ cần được hướng dẫn một lúc là họ có thể chăm sóc cho trẻ chu đáo trong lúc bạn nghỉ ngơi.
- Cha mẹ có thể nhờ vào ông bà, hay bất cứ người thân nào trong gia đình mình để chăm sóc, hay chỉ đơn giản là chơi với trẻ. Việc dành thời gian để chăm sóc bản thân người nuôi dưỡng trẻ là việc hết sức quan trọng. Bởi để điều trị cho trẻ rối nhiễu tâm trí cần có một khoảng thời gian dài, cha mẹ phải theo các liệu trình điều trị khác nhau. Nếu không chăm sóc bản thân mình tốt thì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho trẻ. Cha/mẹ có thể đi chơi đâu đó một vài ngày hoặc đơn giản là làm một việc gì đó mà mình thích, theo sở thích của mình để thư giãn bản thân.
Nếu cha/mẹ chăm sóc bản thân mình tốt sẽ tạo điều kiện để có sức khỏe, sự sáng suốt trong suốt quá trình chăm sóc, điều trị cho trẻ rối nhiễu tâm trí.
2. Giữ sức khoẻ
Ngoài việc bớt chút thời gian nghỉ ngơi, người chăm sóc cho trẻ cũng cần phải đảm bảo thời gian ngủ, cân bằng chế độ ăn và tập thể dục thường xuyên. Nếu người chăm sóc cho trẻ không khoẻ thì rất khó để bạn có thể chăm sóc gia đình. Hãy làm những việc mình thường làm để giúp mình luôn khoẻ mạnh.
Việc giữ gìn sức khỏe của người nuôi dưỡng trẻ cần được quan tâm từ thể chất: Sức khỏe thể chất được tạo ra từ bữa ăn: Ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm… đến việc rèn luyện sức khỏe, tập thể dục đều đặn. Cha/mẹ/người nuôi dưỡng/chăm sóc trẻ có sức khỏe tốt sẽ là tiền đề để chăm sóc, điều trị cho trẻ tốt.
3. Chia sẻ cảm xúc với người khác
Chia sẻ cảm xúc với bạn bè và người thân có thể giúp bạn giảm bớt phần nào gánh nặng. Hãy mở rộng lòng mình, vì nếu không được giải toả, bạn sẽ khó có thể suy nghĩ thấu đáo trong những tình huống cần thiết. Đến chuyên gia tư vấn cũng là một cách giúp bạn chia sẻ và đối phó với những cung bậc cảm xúc của mình. Không ai có thể lên án bạn vì những cảm xúc đó.
4. Giúp đỡ vợ/chồng
- Chăm sóc trẻ rối nhiễu tâm trí có thể vừa là sự củng cố, vừa là một thách thức đối với mối quan hệ giữa bạn và chồng/vợ bạn. Thường thì các cặp vợ chồng sẽ trở nên gắn bó hơn khi cùng phải đương đầu với những vấn đề khó khăn, tuy nhiên ngay cả những mối quan hệ bền chặt nhất cũng có thể tan vỡ bởi sự căng thẳng trong việc chăm sóc con có nhu cầu đặc biệt. Hãy nhớ rằng chồng/vợ bạn có thể phản ứng khác với bạn khi nhận được chẩn đoán.
-  Một trong hai người có thể xúc động hơn, còn người kia có thể ít nói hơn. Một người có thể cảm thấy đỡ hơn khi cố gắng tìm hiểu càng nhiều những thông tin liên quan đến rối nhiễu tâm trí càng tốt, trong khi người kia lại cảm thấy bị ngập trong những thông tin đó. Vì vậy, các bạn cần chia sẻ với nhau cảm xúc của mình và nói cho nhau những việc bạn có thể làm để giúp đỡ vợ/chồng bạn trong giai đoạn khó khăn này.
- Dù có thể là khó khăn nhưng các cặp vợ chồng nên có những khoảng thời gian nghỉ ngơi chỉ có 2 vợ chồng để nạp lại năng lượng. Hãy cho phép bạn nghỉ ngơi và tận hưởng khoảng thời gian bên nhau.
- Hãy cố gắng cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng cho trẻ. Các cặp vợ chồng có thể cùng đưa ra quyết định cũng như giảm sự căng thẳng cho một người và cảm giác bị xa lánh cho người kia bằng cách chia sẻ thông tin một cách công bằng và luôn đảm bảo sự tham gia của cả hai trong mọi việc.
 - Đối với những cha/mẹ đơn thân thì vấn đề càng khó khăn hơn. Bạn bè và người thân có thể là một nguồn giúp đỡ quan trọng và hữu ích trong trường hợp này.
5. Giúp đỡ lẫn nhau trong một gia đình
- Hãy nói chuyện một cách cởi mở về những cảm xúc, hy vọng cũng như nỗi sợ hãi của bạn với các thành viên trong gia đình để giảm bớt gánh nặng cho bản thân. Chồng/vợ, người thân và những đứa con khác có thể hiểu và chia sẻ với bạn trong những ngày tháng khó khăn. Anh chị em ruột thường có những hiểu biết riêng về sự khiếm khuyết của em mình, nguyên nhân và tương lai của em cũng như của chính mình sau này.
 - Vì vậy cần nói cho các con những thông tin cần thiết phù hợp với độ tuổi của trẻ. Các con bạn cũng cần được quan tâm chú ý và có cơ hội để giãi bày suy nghĩ cũng như cùng tham gia giải quyết những khó khăn với gia đình.
6. Trau dồi kiến thức
- Hãy tìm hiểu về rối nhiễu tâm trí. Tìm hiểu những thông tin thực tế sẽ có ích hơn là ngồi lo lắng hoặc không làm gì cả. Tuy nhiên cũng không nên đọc quá nhiều để tránh bị tràn ngập thông tin. Hãy nhớ rằng mỗi trẻ là khác nhau và không phải những thông tin nào bạn đọc cũng có thể áp dụng cho con bạn. Hãy dành thời gian theo dõi những sở thích và phong cách học của con bạn. Tìm hiểu xem cách nào trẻ học tốt nhất sẽ giúp bạn đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp.
- Cha/mẹ/người chăm sóc chính cho trẻ có thể tìm hiểu thông tin, kiến thức về rối nhiễu thông tin qua các kênh như: Đọc sách, báo, xem ti vi, xem internet…
- Tuy nhiên, điều bắt buộc là cha mẹ phải đào tạo lấy chính mình trước khi đưa ra quyết định chọn hướng điều trị cho con mình, xin nhớ là điều đúng, hợp cho trẻ này, chưa chắc đã đã đúng và hợp với trẻ khác, ngoại trừ những phương pháp đã được chứng minh khoa học và thực tiễn, nhưng phải áp dụng đầy đủ trọn vẹn và đúng, theo nhu cầu riêng của con mình thì mới có tác dụng. Quyết định về điều trị can thiệp luôn được đưa ra bởi cá nhân gia đình và dựa trên điều phù hợp với con bạn và gia đình bạn. Xin nhớ là, bạn, với tư cách là cha mẹ phải biết rõ về con mình, và bạn phải có vai trò lớn nhất trong việc quyết định theo đuổi phương pháp can thiệp nào.
- Trong quá trình trau dồi kiến thức về cách thức, phương pháp giáo dục, chăm sóc trẻ các cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
Tính cá biệt hóa:
+ Mỗi một trẻ rối nhiễu tâm trí là một cá thể riêng biệt, đòi hỏi những biện pháp giáo dục phù hợp vì trẻ không thể nào tiếp thu được các bài học theo các phương pháp giáo dục phổ thông
 + Để đạt hiệu quả trong hoạt động can thiệp cho trẻ tại gia đình,  phụ huynh cần phải có sự tham khảo với một số chuyên gia để cùng nhau xây dựng một chương trình giáo dục phát triển cho trẻ. Để có thể xây dựng chương trình, chúng ta cần dựa trên các nguyên tắc:
Soạn bài giảng dựa trên mức độ nhận thức của trẻ;
Dùng kinh nghiệm hằng ngày để vận dụng vào bài học;
Các hoạt động học tập phải gắn với thực tế;
Dùng nhiều hình thức để tăng hứng thú cho trẻ;
Có sự phối hợp với các biện pháp khác;
Giúp trẻ tăng nhận thức qua các hoạt động giao tiếp xã hội;
Dựa vào các trò chơi.
Nhận thức của trẻ:
+ Mỗi một trẻ đều có mức độ nhận thức khác nhau, điều này đã được phản ảnh rõ rệt qua việc quan sát, đối chiếu với khả năng phát triển của các trẻ bình thường cùng độ tuổi và sử dụng các bảng câu hỏi, các Test đánh giá… Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra từng kế hoạch can thiệp khác nhau phù hợp với khả năng phát triển của trẻ cũng như các kỹ năng mà trẻ có thể thực hiện được, để người dạy là cha mẹ hay các giáo viên đặc biệt có thể áp dụng cho trẻ.
7. Ghi chép sự tiến bộ của trẻ
Tác dụng của việc ghi chép:
- Ghi chép lại giúp cho người chăm sóc trẻ xác định được những vấn đề chính của con mình.
- Xác định được đâu là thế mạnh, đâu là hạn chế của gia đình cũng như trẻ trong quá trình chăm sóc cho con bị rối nhiễu.
- Giúp cha mẹ/ người nuôi dưỡng biết được các cách thức, biện pháp mình đã áp dụng trong quá trình trị liệu cho con. Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã sử dụng trong quá trình điều trị, nếu không phù hợp sẽ có sự thay đổi kịp thời.
- Thấy được sự tiến bộ của con trong suốt quá trình điều trị, chăm sóc.
Các hình thức ghi chép:
Lập một quyển sổ ghi chép những trải nghiệm thường ngày của trẻ có thể giúp bạn nhận ra những tiến bộ nhỏ ở trẻ. Hãy ghi chép lại những tiến triển nhỏ và nên nhớ rằng qua thời gian, trẻ sẽ đạt được những tiến bộ thực sự. Hãy duy trì sự hy vọng và tỏ ra vui mừng với  từng dấu hiệu phát triển và thay đổi tích cực của trẻ.
8. Gặp gỡ những cha mẹ có con  bị rối nhiễu tâm trí.
- Gặp gỡ và chia sẻ những cảm xúc cũng như trải nghiệm của bản thân với những người có cùng hoàn cảnh có thể là một biện pháp tốt. Những phụ huynh có con tự kỷ có thể chia sẻ với bạn những phương pháp hay ý tưởng hữu ích đối với họ cũng như đồng cảm với hoàn cảnh của bạn.
- Mục đích của những lần gặp gỡ là tạo ra một môi trường để chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những kiến thức khoa học về giáo dục đặc biệt cho trẻ rối nhiễu tâm trí, giúp trẻ rối nhiễu có cơ hội hòa nhập cộng đồng và đồng thời nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về trẻ tự kỷ,  giúp phát hiện sớm từ phía các gia đình để can thiệp kịp thời cũng như nâng cao  sự quan tâm và trách nhiệm  của xã hội về hội chứng rối nhiễu để người rối nhiễu được hưởng mọi quyền lợi chính đáng về giáo dục,  việc làm và chăm sóc y tế… như những người khuyết tật khác và như mọi người bình thường trong một xã hội văn minh.
- Việc nhiều gia đình có con bị rối nhiễu tâm trí có nhu cầu gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm là tiền đề để thành lập các nhóm, hội, câu lạc bộ các gia đình có con bị rối nhiễu tâm trí. Các nhóm hoạt động tích cực, phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội  tổ chức một số buổi hội thảo do các chuyên gia nước ngoài trình bày về các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ rối nhiễu tâm trí. Các câu lạc bộ tổ chức các buổi sinh hoạt thường kỳ (theo quý) hoặc các hội thảo mời các chuyên gia để các gia đình gặp gỡ nâng đỡ nhau và chia sẻ kinh nghiệm thực tế cũng như phổ biến các tài liệu có được từ nhiều nguồn khác nhau.
- Khi gia đình tham gia các nhóm, câu lạc bộ gia đình có con bị rối nhiễu tâm trí được trang bị các kiến thức như trị liệu tâm lý, giúp bố mẹ cùng chơi với con, giúp trẻ học toán, tập đọc, trị liệu y sinh, trị liệu ngôn ngữ. Đặc biệt các vấn đề như nhận biết Hội chứng rối nhiễu, tầm quan trọng của việc  chẩn đoán sớm, can thiệp sớm, và gần đây là vấn đề đi học hoà nhập của các trẻ ở trường. Qua các buổi sinh hoạt không chỉ các cha mẹ/ người nuôi dưỡng có con bị rối nhiễu nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng mà qua đó còn giúp nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng về hội chứng rối nhiễu, kêu gọi sự cảm thông, giúp đỡ của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đặc biệt là nhà truờng, hội thảo cũng đưa ra kiến nghị với các cơ quan hữu quan nhằm có những chính sách trợ giúp cho các trẻ rối nhiễu và các  gia đình, tạo điều kiện cho trẻ học tập, trị liệu tốt nhất. Nhóm cũng là một diễn đàn để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như kiến thức về phương pháp, phương hướng can thiệp, kinh nghiệm về thuê tư vấn trong, ngoài nước, v.v. để cùng chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Ngoài ra, nhóm các cha mẹ có con bị rối nhiễu cũng là nơi tổ chức các hoạt động thiết thực cho các thành viên và là đầu mối cho một số hoạt động để sưu tầm, dịch tài liệu.
 
 
 

Tin liên quan
Câu hỏi: Các địa chỉ liên quan đến hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em rối nhiễu tâm trí.
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ