Ứng dụng âm nhạc trị liệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí.


Ảnh: Hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trong trị liệu âm nhạc

Can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí hiện nay có rất nhiều phương pháp và phổ biến là giáo dục phát triển. Hầu hết các chương trình rèn luyện cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí có kết hợp một số liệu pháp hành vi. Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng âm nhạc là những kích thích hấp dẫn, lôi cuốn tri giác trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí. Nhiều tài liệu ghi nhận liệu pháp âm nhạc là một phương pháp hỗ trợ hiệu quả qua việc giúp trẻ tiến bộ về tri giác, từ đó tham gia vào các hoạt động xã hội, cảm xúc, nhận thức và vận động cảm giác. Mục đích của trị liệu âm nhạc là thay đổi cảm xúc, ý nghĩ của trẻ theo chiều hướng tích cực, gia tăng trí nhớ, phục hồi và phát triển khả năng giao tiếp xã hội. Đó chính là sự bổ khuyết cho những thiếu sót của trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí.

Trước hết chúng ta hiểu âm nhạc là gì? Âm nhạc là một môn nghệ thuật phối hợp âm thanh theo những quy luật nhất định. Âm nhạc được bắt nguồn từ những âm thanh trong cuộc sống, nó phản ánh tâm tư, tình cảm của con người. Âm nhạc được cấu thành từ các yếu tố: Cao độ, trường độ, nhịp, tiết tấu, âm lượng.

Trẻ rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ, giao tiếp xã hội, đặc biệt là vấn đề hành vi, ngôn ngữ làm ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Trong khi đó âm nhạc lại là một hình thức giao tiếp và trò chơi phi ngôn ngữ nói hoặc có ngôn ngữ nói, âm nhạc giúp trẻ tối ưu hóa các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, kỹ năng xã hội….Việc xây dựng và tổ chức hoạt động âm nhạc bài bản, phù hợp sẽ phát huy được tính hiệu quả trong can thiệp và giáo dục trẻ rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ.

Khác với sự giảng dạy hay huấn luyện về âm nhạc, trị liệu âm nhạc không đòi hỏi đối tượng phải đàn hay, hát giỏi, phải thành thạo ngôn ngữ và có khả năng giao tiếp xã hội. Những chuyên gia trị liệu cho rằng con người vốn yêu thích âm nhạc ngay từ thuở chào đời, bất luận họ khác biệt ra sao về mầu da, sắc tộc, giới tính, mức độ khuyết tật về cảm xúc, thể xác, hay trí tuệ. Nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có sự cuốn hút bẩm sinh bởi âm nhạc và nhạc cụ. Vì vậy, trị liệu trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí bằng âm nhạc trong thời gian gần đây đã được áp dụng rộng rãi và được xem là một trong những phương pháp can thiệp hữu hiệu về mặt trau dồi ngôn ngữ, giúp các em tự tin, hòa nhập và thích nghi tốt hơn trong những môi trường sinh hoạt không ngừng thay đổi ở gia đình, trường học và cộng đồng.

Vậy chúng ta hiểu về âm nhạc trị liệu như thế nào?

Âm nhạc trị liệu là việc nhà trị liệu sử dụng âm nhạc dưới nhiều tổ chức hình thức, phương tiện, công cụ khác nhau nhằm tác động phù hợp vào trẻ một cách có mục đích giúp cải thiện hạn chế mà trẻ mắc phải. Viêc trị liệu âm nhạc không có những phản ứng phụ độc hại như những loại thuốc tâm thần, không uổng phí thời gian trong giai đoạn tuổi vàng và tương đối ít tốn kém so với những phương pháp trị liệu khác. Âm nhạc có tính tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho những cá nhân trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, bất kỳ tuổi tác, thể loại nhạc hay nhạc cụ nào được áp dụng trong quá trình trị liệu.

 Âm nhạc trong trị liệu cũng có những chức năng nhất định. Âm nhạc giúp trẻ phát triển nhận thức, phát triển khả năng vận động, phát triển ngôn ngữ hiểu, phát triển ngôn ngữ nói, phát triển sự điều khiển của não bộ, phát triển năng khiếu, phối kết hợp tay - mắt, tăng khả năng bắt chước, tăng cường sự tập trung chú ý, giảm hành vi (tăng động, nói nhại lời, nói nhảm), đáp ứng sở thích của trẻ, tạo cho trẻ sự thoải mái khi can thiệp âm nhạc hoặc bắt đầu một giờ can thiệp bằng phương pháp khác. Âm nhạc giúp phát triển kỹ năng ở trẻ như kỹ năng tập trung, kỹ năng bắt chước, kỹ năng luân phiên, kỹ năng ngôn ngữ hiểu, kỹ năng xã hội.

Thông thường việc sử dụng âm nhạc trong trị liệu có hai hình thức, đó là tổ chức hoạt động âm nhạc cá nhân 1-1, tức là một nhà trị liệu làm việc với một trẻ và tổ chức hoạt động âm nhạc theo nhóm, từ 2 trẻ trở lên. Âm nhạc trị liệu thường sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau phục vụ cho quá trình trị liệu, can thiệp của các nhà chuyên môn sẽ đem đến mỗi giờ can thiệp là một giờ trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhất. Với kế hoạch trị liệu và giáo dục được thiết kế riêng cho mỗi trẻ, các nhà chuyên môn đã khéo léo tạo nên các hoạt động học mà chơi, chơi mà học rất thu hút và hấp dẫn như điều hòa cảm giác với các hoạt động âm nhạc sử dụng dù bạt, khăn voan, dây lụa…, phát triển ngôn ngữ và sửa ngọng thông qua việc luyện thanh với đàn, điều chỉnh cảm xúc thông qua chuyển động cơ thể, nhận biết ký hiệu âm nhạc thông qua màu sắc, chữ cái, chữ số…, kích thích phát triển ngữ âm và cải thiện ngôn ngữ một cách tự nhiên thông qua các hoạt động ca hát, kể chuyện âm nhạc…, phát triển khả năng sáng tạo thông qua việc sử dụng nhạc cụ tự chế từ những đồ dùng, vật liệu quen thuộc trong gia đình, phát triển vận động tinh, vận động thô, phối hợp tay mắt và kết hợp linh hoạt các bộ phận trên cơ thể thông qua các trò chơi âm nhạc.

Để tổ chức một hoạt động âm nhạc trị liệu cần thực hiện theo một quy trình nhất định, quy trình tổ chức một hoạt động âm nhạc cần thực hiện: Sàng lọc, đánh giá, lập kế hoạch can thiệp, thực hiện kế hoạch, đánh giá kết quả, điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu, cách thức cho phù hợp tình hình thực tiễn. Các chương trình trị liệu âm nhạc có thể kéo dài trong nhiều năm đối với một đứa trẻ, âm nhạc được trị liệu hàng ngày và mỗi ca trị liệu  kéo dài khoảng 10 phút.

Việc sử dụng âm nhạc trong trị liệu có đạt hiệu quả hay không và mức độ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh việc mỗi nhà trị liệu biết cách ứng dụng âm nhạc trong trị liệu thì việc nhận biết trẻ có thích thú với hoạt động âm nhac hay không và theo những cấp độ nào cũng là điều rất quan trọng. Để làm việc hiệu quả, các nhà trị liệu sẽ cần chú ý nhận biết xem trẻ có các biểu hiện như nghêu ngao hát một mình, trẻ có cử chỉ hành động muốn người khác mở nhạc, trẻ hát giai điệu hoặc hát theo lời tác phẩm, trẻ chăm chú lắng nghe âm nhạc, trẻ cử động một hoặc nhiều bộ phận cơ thể theo âm nhạc, cười hoặc lắng nghe khi nghe âm thanh có tính giai điệu hoặc khi nghe hát, trẻ đang chơi nhưng dừng hoạt động khi nghe thấy âm nhạc…Nếu trẻ có những biểu hiện thích thú đó thì các nhà trị liệu sẽ để trẻ tham gia các hoạt động âm nhạc và âm nhạc sẽ giúp trẻ thể hiện cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên để xây dựng kế hoạch ứng dụng âm nhạc trị liệu cho trẻ các nhà trị liệu cần dựa vào đặc điểm của trẻ như đặc điểm về sinh lý, tâm lý, sở thích, khả năng của trẻ để đặt ra các mục tiêu kế hoạch phù hợp và hiệu quả.

Một số biện pháp âm nhạc trong can thiệp trị liệu hỗ trợ trẻ:

Nhóm nghe nhạc: Nghe nhạc thư giãn, nghe nhạc kết hợp nhạc cụ, nghe nhạc kết hợp thể chất, nghe nhạc kết hợp tưởng tượng;

Nhóm vận động với âm nhạc: Chuyển động theo tiết tấu, bản nhạc, vận động luân phiên, vận động bắt chước, vận động với đồ vật;

Nhóm trò chơi âm nhạc: Đoán âm thanh, đoán nhạc cụ, bắt chước tiếng kêu, đoán hiện tượng thiên nhiên, gõ phách, lắc và ấn chuông, chơi nhạc cụ…

Nhóm ca hát: Hát vuốt đuôi, hát cùng người khác, hát trước gương, hát kết hợp gõ nhịp, tiết tấu, hát kết hợp vận động, bé làm ca sĩ…

Nhóm sử dụng nhạc cụ: Trống, đàn, phách, kèn, chuông, các dụng cụ phát ra âm thanh…

Tùy theo sở thích của trẻ và những khó khăn trẻ đang gặp phải, dựa trên thông tin thu thập được và quan sát trực tiếp trên trẻ mà các nhà trị liệu xây dựng kế hoạch âm nhạc trị liệu, chọn loại nhạc cụ nào cũng như thời gian trị liệu trong bao lâu cho phù hợp để giải quyết vấn đề đối với trẻ. Trên thực tế có rất nhiều trẻ đã được ứng dụng âm nhạc trong trị liệu và đã đạt những kết quả nhất định, các vấn đề được cải thiện như ngôn ngữ, hành vi, khả năng tập trung chú ý, kỹ năng giao tiếp xã hội…

 Trị liệu âm nhạc đang là hướng can thiệp đem lại hiệu quả cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí. Đây đang là xu thế phát triển tất yếu cho ngành giáo dục đặc biệt ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trị liệu âm nhạc không nhằm mục đích để trẻ hát hay, biểu diễn tốt, chơi tốt một loại nhạc cụ nào đó mà thông qua âm nhạc để tác động lên tất cả các giác quan của trẻ nhằm giúp trẻ kiểm soát hành vi, tăng cường khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, kỹ năng bắt chước, tương tác xã hội.

 

Thực hành sử dụng một số dụng cụ âm nhạc

Một số dụng cụ âm nhạc thường dùng trong can thiệp, trị liệu trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí:

 

Chiêng, trống, mõ, đàn, chuông…

 

Trống điện tử

 

Đàn Xylophone 8 âm sắc

Hương Thảo - Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh

 

 

 

Tin liên quan
Bình yên và hy vọng từ Ngôi nhà Ánh Dương
Đoàn công tác Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Cần Thơ trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thăm và làm việc tại Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh
Lãnh đạo Sở Lao động, TB&XH và đoàn công tác làm việc với Trung tâm Công tác xã hội
Tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng
Trung tâm Công tác xã hội làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Hội nghị triển khai sử dụng phần mềm đăng ký quản lý thông tin, cấp giấy xác nhận người khuyết tật, quản lý ca và giải quyết chính sách đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn năm 2020.
Cung cấp dịch vụ y tế hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới
Tập huấn Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ: Ứng dụng âm nhạc trị liệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí
Rối loạn hành vi ở trẻ
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ