Một số phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.

Rối loạn phổ tự kỷ được mô tả từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng đến nay nóvẫn được coi là điều mới mẻ với nhiều người.Rối loạn phổtự kỷlà một dạng khuyết tật phát triển thường xuất hiện từ khi mới sinh mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng ngay lúc đó. Tình trạng này ảnh hưởng suốt cả cuộc đời con người, nhưng nếuđượcphát hiện sớm, can thiệp đúng phương pháp và hợp lý thì sẽ có nhiều sự tiến bộ cho trẻ. Hiện nay, tự kỷ được coi là vấn đề của thời đại, được cộng đồng và xã hội quan tâm. Liên hợp quốc đã chọn ngày 2 tháng 4 hàng năm là “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm đối với người tự kỷ.

 

Khi một trẻ em được chẩn đoán là“Tự kỷ” thì nghĩa là trẻ sẽ phải gắn bó với điều này suốt cả cuộc đời, cũng đồng nghĩa với việc trẻ sẽ đi cùng với những rối loạn phát triển như: Các khiếm khuyết về nhận thức, rối loạn cảm giác, khó khăn trong quan hệ giao tiếp với mọi người, chậm phát triển ngôn ngữ, tư duy, các biểu hiện về hành vi bất thường, tăng động giảm chú ý…Làm cho bị tự kỷ phát triển khác thường về nhân cách, hoà nhập cộng đồng gặp khó khăn.
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan toả, thể hiện sự rối loạn toàn diện các mặt trong đời sống tâm lý con người. Hơn nửa thế kỷ qua đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nhưng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác về hội chứng tự kỷ. Khi khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của hội chứng này cũng có nghĩa là chưa đưa ra được phương pháp trị liệu hữu hiệu và chuẩn nhất. Điều này dẫn đến việc rất nhiều phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ xuất hiện trong thời gian gần đây.Trong khi các bác sỹ tâm thần chưa tìm ra phương thuốc trị liệu hữu hiệu thì các nhà tâm lý, nhà giáo dục học, vật lý trị liệu, tâm vận động…tham gia trị liệu đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo quan niệm trước đây, hầu như trẻ tự kỷ chỉ được chữa trị theo một phương pháp nhất định hoặc một số phương pháp hợp lại, điều này tùy thuộc vào quan điểm của nhân viên trị liệu trực tiếp với trẻ hay quan điểm của cha mẹ trẻ. Ngày nay, do có nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng quan tâm đến chứng tự kỷ nên đã xuất hiện nhiều phương pháp trong việc điều trị. Với quan điểm hiện tại, trị liệu trẻ tự kỷ nên kết hợp nhiều phương pháp khác nhau tuỳ theo khả năng, mức độ, giai đoạn và sự tiến triển bệnh của trẻ.
Mô hìnhtrị liệu tâm lý thuộc Trung tâm Công tác xã hội từ khi đi vào hoạt động đã được tiếp cận với các phương pháp tiên tiến trong trị liệu trẻ tự kỷ, kế thừa và phát huy một cách tích cực các phương pháp đó. Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí tổ chức các khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên tham gia mô hìnhtrị liệu.
Một số phương pháp đang được áp dụng trong trị liệu trẻ tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninhbao gồm:
1. Trị liệu theo phương pháp phân tâm
Phương pháp này chủ yếu là chơi và nói chuyện, nhằm giúp trẻ và gia đình giải tỏa những căng thẳng dồn nén trong quá khứ, hệ thống lại cấu trúc nhân cách của trẻ. Trong trị liệu phân tâm sẽ giúp cải thiện bầu không khí gia đình, giúp mọi người thấu hiểu thực tại và chấp nhận thực tại tốt hơn, mọi người sẽ vui vẻ hơn trong giao tiếp và chăm sóc trẻ. Điều này giúp trẻ tự kỷ cải thiện tình huống giao tiếp và hình thành sự tiếp xúc qua lại. Khuyến khích trẻ hợp tác trong mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình, nhà trường và xã hội; từ đó, tình trạng tự kỷ của trẻ được cải thiện dần dần.
2. Phương pháp tâm vận động
Một phương pháp kích thích trẻ hoạt hóa hành vi. Quan điểm chi phối của phương pháp là: Vận động (hoạt động) của cơ thể sẽ dẫn đến sự nhanh nhậy hệ thần kinh và tác động đến phát triển tâm lý, vận động về cơ thể càng tăng thì vận động về tâm lý tăng theo; phát triển vận động sẽ dần phát triển tâm lý. Đồng thời sự phát triển tâm lý sẽ kéo theo sự phát triển vận động. Phương pháp này giúp những trẻ em gặp các vấn đề khó khăn về tâm lý có khả năng phối hợp các chức năng tâm trí tản mạn, hướng trẻ đến những hoạt động tâm lý có ý nghĩa cho chính trẻ em đó và cho những người xung quanh. Khả năng hợp tác của trẻ được tăng lên khi áp dụng phương pháp.
3. Phương pháp chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ:
Đây là phương pháp can thiệp thường thấy nhất ở trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ có khó khăn về liên hệ; điều này bị chi phối to lớn bởi ngôn ngữ và lời nói. Theo các chuyên gia âm ngữ trị liệu, nếu trẻ tự kỷ biết nói sẽ ảnh hưởng rất tốt cho sự phát triển trong tương lai. Nên chỉnh âm là một phần đặc biệt quan trọng cho trị liệu. Trị liệu thường được áp dụng cho từng trẻ một, diễn ra từ một đến hai tuần một lần và đôi khi kéo dài nhiều năm. Mục tiêu và phương pháp được soạn dựa vào khả năng ngôn ngữ của trẻ.
4. Phương pháp chơi trò chơi đóng vai theo chủ đề
Đây là sự diễn xuất tình huống, người đóng phải tưởng tượng mình là nhân vật khác, biểu lộ những buồn bực, nóng giận, vui vẻ hạnh phúc… mà vai diễn quy định. Ví dụ: tập làm MC, nhạc công, công an, cô giáo, bác sỹ…
Trò chơi đóng vai thể hiện mức độ cao trong phát triển nhận thức, nêu trẻ làm tốt phương pháp này thì cơ hội hòa nhập của trẻ hầu như bình thường, có thể tham gia tốt vào đời sống xã hội, cộng động.
 5. Phương pháp giáo dục đặc biệt
Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ là một việc thông thường. Do trẻ tự kỷ bị rối loạn phát triển nên có rất nhiều khiếm khuyết: trí tuệ, giao tiếp, xúc cảm, tình cảm, ngôn ngữ, tự phục vụ… Thông qua giáo dục sẽ giúp trẻ hiểu và có kỹ năng hòa nhập xã hội, tăng cường khả năng giao tiếp, giúp nhận thức sự vật và hiện tượng xung quanh, hiểu biết và quan tâm đến những ứng xử tình cảm của người khác, tăng cao khả năng hội nhập cộng đồng.
Những nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển, việc giáo dục trẻ tự kỷ thường sớm hơn trẻ bình thường. Xu hướng hiện nay là giáo dục cho trẻ tự kỷ ngay sau khi đưa ra chẩn đoán. Việc giáo dục trẻ tùy thuộc vào khả năng nhận thức và hành vi của trẻ; mục tiêu, chương trình và phương pháp đều được thiết kế dựa vào mức độ trí tuệ của trẻ.
6. Trị liệu thông qua các môn nghệ thuật
* Trị liệu bằng âm nhạc
Cũng giống như các phương pháp trị liệu hiện nay; trị liệu âm nhạc không thể chữa lành bệnh tự kỷ. Mục tiêu mà trị liệu âm nhạc hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, tăng cường các tương tác xã hội thông qua âm nhạc. Theo các tác giả của phương pháp này, trị liệu âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới xúc cảm, tình cảm mà những điều này đang gây khó khăn cho trẻ tự kỷ. Thế giới xúc cảm, tình cảm được cho là thế giới lạ lùng của trẻ tự kỷ nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự. Đồng thời trẻ tự kỷ trong khi nhận thức chỉ hiểu được nghĩa đen, nghĩa thực tại hiện hữu của sự vật, khó khăn trong hiểu nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ. Ở đây âm nhạc có lợi vì trẻ có thể thưởng thức nhạc theo nghĩa đen mà không cần theo dõi diễn biến trừu tượng của bản nhạc.
*Thông qua hoạt động mỹ thuật và sử dụng đất nặn
Đây là hoạt động mang tính sáng tạo, dễ thực hiện, không quá coi trọng tính đúng sai của sản phẩm, phát huy khả năng tự do tưởng tượng của trẻ. Thông qua vẽ và nặn, trẻ có thể nâng cao khả năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay và mắt, giúp trẻ từng bươc làm chủ các vận đông kỷ xảo trong học viết và các thao tác tinh tế khác. Ngoài ra hoạt động này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú y, làm chủ các hành vi một cách có ý thức.
*Trị liệu qua các bài thơ, các bài đồng giao
Do trẻ tự kỷ có khả năng nhớ máy móc hơn nhớ ý nghĩa, nên việc dạy trẻ đọc chữ thông qua thơ đồng giao có giá trị đáng khích lệ. Với những tiết tấu, giai điệu, vần điệu, từ ngữ đơn giản, tươi sáng và dễ hiểu của thơ, đồng giao sẽ giúp cho trẻ dễ tiếp thu hơn. Đây là hình thức học tự do không có áp lực.
7. Phương pháp hoạt động nhóm:
Trẻ tự kỷ gặp khiếm khuyết nghiêm trọng về giao tiếp và tương tác xã hội, phương pháp nhóm giúp trẻ hòa nhập với trẻ em cùng trang lứa với mục đích kích thích trẻ tương tác qua lại với các thành viên khác. Thông qua chơi nhóm, trẻ hiểu những cách ứng xử và quy định của nhóm. Hoạt động của các thành viên chính là những nhân tố kích thích trẻ nhận thức và bắt chước, các thông điệp lời nói và không lời được truyền trong nhóm tác động đến từng thành viên, lôi kéo các thành viên tham gia hoạt động. Tình trạng tự kỷ được cải thiện khi trẻ tự kỷ dần dần chơi tương tác với các thành viên khác trong nhóm.
Có hai loại nhóm: nhóm lớp học và nhóm tự do ngoài môi trường tự nhiên.
8. Dã ngoại trị liệu
Đây là hoạt động nhằm thay đổi môi trường, đẩy trẻ vào môi trường mới lạ đẩy rẫy kích thích, tăng tính tò mò giúp thu thập thông tin. Ngoài ra hoạt động này còn khai thông những sinh hoạt, học tập nhàm chán lặp đi lặp lại trong môi trường quen thuộc. Khi đi dã ngoại, với những hoạt động đặc trưng trẻ có thể pháp huy tối đa tất cả các giác quan hoạt động cùng lúc, giúp phát triển về nhận thức thế giới và cảm nhận cơ thể.
9. Điều hòa giác quan
Theo các chuyên gia nghiên cứu về trẻ tự kỷ, hầu hết trẻ tự kỷ ít nhiều có rối loạn cảm giác tùy theo mức độ khác nhau và ở những giác quan khác nhau, có những trẻ chỉ bị rối loạn một vài loại giác quan nào đó nhưng cũng có thể tất cả giác quan. Những rối loạn thướng phổ biến ở hai thái cực là thiếu nhậy cảm hoặc quá nhậy cảm hay ngưỡng cảm giác quá thấp hoặc quá cao, cũng có thể trẻ thiếu nhậy cảm ở giác quan này nhưng lại tăng nhậy cảm ở giác quan khác, có khi độ nhậy cảm của trẻ bị thay đổi trẻn cùng một giác quan ở những thời điểm khác nhau hay hoàn cảnh khác nhau.
Do cảm giác là cơ quan thụ cảm, là đầu vào của các hoạt động nhận thức, nều cảm giác bị rối loạn tất yếu dẫn đến rối loạn nhận thức, đồng thời sẽ gây ra rối loạn phát triển. Chính vì lý do đó mà trong trị liệu trẻ tự kỷ trị liệu cảm giác là công việc rất quan trọng.
10. Động vật trị liệu
Cũng là phương tiện trị liệu như đồ vật, hình ảnh hay đồ dùng học tập…, trong trị liệu trẻ tự kỷ động vật trị liệu khác về chất so với những công cụ trên. Các công cụ trị liệu là những vật vô tri vô giác chịu sự tác động thụ động của con người, trong khi đó động vật có những phản ứng tự nhiên nhiều khi không theo hướng dẫn của con người. Khi con người tác động với con vật là quan hệ tương tác hai chiều, con vật có thể tuân theo ý muốn của con người và cũng có thể không tuân theo, mối tương tác này diễn ra theo chiều hướng phong phú hơn rất nhiều khi con người tương tác với đồ vật. Trong việc sử dụng động vật để trị liệu không những con người kích thích con vật mà ngược lại con vật kích thích cả con người.
Do đó sử dụng động vật trong trị liệu trẻ tự kỷ với sự tương tác của con vật phần nào giúp trẻ cởi mở hơn, hạn chế việc cố định đóng khung trong trạng thái tự kỷ.
11. Tư vấn tâm lý
Nhằm cung cấp cho các phụ huynh những thông tin về trẻ tự kỷ: phương pháp can thiệp, cách chăm sóc giáo dục, các dịch vụ chăm sóc, những ứng phó trong tương lai, đặc biệt là những thông tin cập nhật về trẻ tự kỷ hiện hành. Qua tư vấn giúp cho các phụ huynh có tâm lý thoải mái, chấp nhận tình trạng bệnh của trẻ, giúp họ lựa chon các dịch vụ và phương pháp trị liệu thích hợp.
12. Sử dụng trò chơi trị liệu
Chơi là một hoạt động chủ yếu trong phát triển nhân cách của trẻ em, nếu trẻ thiếu hoạt động chơi hoặc hoạt động chơi không diễn ra đúng theo quy luật phát triển của trẻ, có thể gây ra sự phát triển bất thường trong đời sống tâm lý. Chơi giúp phát triển nhận thức, hoàn thiện các cơ quan cảm giác, hình thành các quan hệ xã hội…Trẻ tự kỷ cũng như những trẻ bình thường khác đều rất cẩn các hoạt động chơi.
13. Phương pháp sử dụng công nghệ internet
Chơi trên máy vi tính là sở trường của trẻ tự kỷ, có thể trẻ tự kỷ không thích nhiều thứ trong cuộc sống nhưng hầu hết trẻ tự kỷ đều thích máy vi tính. Thông qua những kích thích hình ảnh, âm thanh, màu sặc, kết câu…nhằm thu hút sự tập trung chú ý.
Thông thường, qua máy vi tính kích thích trẻ học tập trên cơ sở những phần mềm phát triển trí tuệ: học toán, học chữ, màu sắc, hình khối, rèn luyện trí nhớ, tưởng tượng, phản xạ, ứng phó các tình huống…nhằm cải thiện khả năng nhận thức của trẻ.
14. Phương pháp ABA:
ABA là ba chữ viết tắt: Applied Behaviour Analysis (Ứng dụng phân tích hành vi). Đây là phương pháp được quan tâm nhiều nhất trong trị liệu trẻ tự kỷ. Nó là chương trình ứng dụng nhằm cải thiện nhiều mặt của trẻ tự kỷ: nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ… Những mặt này của trẻ tự kỷ sẽ được thăm khám, quan sát rất kỹ lưỡng; trên cơ sở đó nhà hành vi xây dựng chiến lược trị liệu cho riêng từng trẻ (phương pháp này không thể áp dụng cho nhiều trẻ cùng một lúc), tiến hành chia nhỏ những phân tích, những hành vi mà trẻ cần thực hiện trong chương trình; hành vi sẽ được chia nhỏ để dễ thực hiện nhất. Sự khuyến khích động viên trẻ hợp tác là một điều rất quan trọng của phương pháp; từng trẻ khác nhau sẽ có những đam mê và sở thích khác nhau; nhà hành vi nên hiểu rất rõ điều này để xây dựng kế hoạch khuyến khích cho phù hợp. Đồng thời chương trình này cũng nhấn mạnh việc loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực, giúp trẻ có ứng xử phù hợp với cuộc sống.
15. Phương pháp PECS
PECS được viết tắt bởi bốn chữ trong tiếng Anh là: Picture Exchange Communication System (Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh). Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh là một công cụ hết sức quan trọng trong việc can thiệp chứng tự kỷ. Trong PECS, ngôn ngữ lời nói được thay thế bằng việc sử dụng thẻ hình cho giao tiếp. Khi trẻ tự kỷ chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ bị hạn chế, hình ảnh sẽ giúp trẻ yêu cầu người khác và thực hiện yêu cầu của người khác. Hình ảnh lúc này là trung gian để chuyển tải thông tin diễn ra mối quan hệ tương tác giữa trẻ tự kỷ và người lớn. Theo các chuyên gia về phương pháp này thì tình trạng giao tiếp của trẻ khá lên rất nhiều khi sử dụng phương pháp PECS. Đây được coi là phương pháp hỗ trợ cho ngôn ngữ trong giao tiếp và góp phần hình thành ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ.
16. Phương pháp TEACCH
TEACCH là chữ viết tắt của Treatment Education Autism Children Communication Handicape. TEACCH là phương pháp giáo dục và dạy dỗ dành cho trẻ em tự bế và những người có rối loạn trong việc diễn tả tư tưởng tình cảm và tạo quan hệ tiếp xúc qua lại với người khác. Những lĩnh vực mà TEACCH quan tâm khi tiến hành can thiệp trẻ tự kỷ: trẻ tự kỷ có khó khăn gì? Ý nghĩa của những khó khăn là gì? Cách thức, phương pháp, dụng cụ can thiệp gồm có những gì? Mục đích, mục tiêu trong từng phần và suốt quá trình là gì? Ưu tiên những hoạt động nào khi tiến hành trị liệu. Mục tiêu của từng ngày và kế hoạch của những ngày tiếp theo là gì? Các phần mà TEACCH quan tâm trong dạy trẻ tự kỷ là bắt chước, nhận thức, vận động thô, vận động tinh, phối hợp mắt và tay, kỹ năng hiểu biết, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng tự lập, kỹ năng xã hội.
17. Phương pháp FLOORTIME
Floortime áp dụng ngay trong cuộc sống bình thường của trẻ, người hướng dẫn ứng phó linh hoạt các diễn biến xảy ra trong mối quan hệ hiện tại, thúc đẩy trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động trị liệu.
Floortime nhận ra rằng mỗi đứa trẻ có một khó khăn duy nhất liên quan tới nó, bởi vậy cho nên công viêc can thiệp cũng phải duy nhất. Tiếp cận Floortime tập trung vào việc giúp đỡ trẻ làm chủ các kỹ năng quan hệ, liên lạc và suy nghĩ.
18. Phương pháp COMPC (communication picture)
Là phương pháp xuất hiện lần đầu tiên ở Úc, nhằm dạy trẻ cách thức giao tiếp thông qua hình ảnh bằng cách chụp những hình ảnh trẻ quan tâm thích thú, hình ảnh quen thuộc, phong cảnh ở nơi trẻ đã đến. Với những hình ảnh trẻ thích và những đồ vật quen thuộc sẽ giúp trẻ học tốt hơn.
Trên đây là những phương pháp khá tiêu biểu đã và đang được áp dụng đối với trẻ tự kỷ tại Trung tâm. Mỗi một phương pháp ở trên xét về một phương diện nào đó đều được phát hiện là có hữu ích. Mỗi một trẻ tự kỷ khác nhau sẽ được tiến hành các phương pháp khác nhau. Điều này tùy thuộc vào người hướng dẫn trị liệu cho từng trẻ cụ thể sẽ áp dụng phương pháp nào? Phương pháp nào trước, phương pháp nào sau, kết hợp sự hỗ trợ của các phương pháp với nhau như thế nào?


 

 


Một số hình ảnh hoạt động trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
 
* Hãy liên hệ với chúng tôi ngay khi bạn phát hiện con mình có những biểu hiện khác thường:
- Tổng đài tư vấn miễn phí: 18001769
- Địa chỉ liên hệ: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Số 35A Điện Biên Phủ, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

 


Hương Thảo (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh)

 

Tin liên quan
Một tấm gương điển hình trong việc vươn lên, vượt qua khó khăn sau khi vấp ngã
Quảng Ninh - tổ chức Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam (lần thứ nhất).
Tháng thanh niên - tháng Công tác xã hội
Xây dựng xã, phường không tệ nạn xã hội
Xây dựng Bộ tài liệu Khung chương trình đào tạo về tư vấn điều trị nghiện ma túy
TP Hạ Long tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội
Tổng kết Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016
Sở LĐ,TB&XH triển khai nhiệm vụ năm 2017
Ra mắt Đội thanh niên xung kích phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Ra mắt Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em tỉnh Quảng Ninh.
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ