Định kiến giới - Rào cản cần phải xóa bỏ

Bình đẳng giới là một trong những giá trị mang tính toàn cầu. Mục tiêu cơ bản của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Trong nhiều năm qua, bình đẳng giới đã và đang từng bước được thực hiện có hiệu quả ở nước ta. Tuy nhiên, tiến trình đi tới mục tiêu đầy nhân văn ấy vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở, thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất đó là định kiến giới. Bình đẳng giới sẽ không thực chất, không thành công nếu như định kiến giới vẫn tồn tại. Vì vậy, xóa bỏ định kiến giới là việc làm cần thiết cho dù điều đó còn khó khăn, phức tạp.


Luật Bình đẳng giới của nước CHXHCN Việt Nam đã nêu rõđịnh kiến giới là nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữChính vì vậy, định kiến giới gây áp lực cho cả nam lẫn nữ, đặc biệt là phụ nữ; tạo ra những giới hạn khó vượt qua và hình thành hố sâu ngăn cách giữa nam và nữ bằng sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và thậm chí cả hưởng thụ. Bất luận ở đâu, thời điểm nào, môi trường tương tác ra sao, chúng ta đều có thể bắt gặp định kiến giới. Cho dù định kiến giới có thể hiện diện bằng nhiều gương mặt, đường nét, sắc màu nhưng  hệ lụy chung của nó vẫn là sự phân biệt nam nữ và theo đó là sự bất bình đẳng mà sự thua thiệt vẫn nghiêng về  những người phụ nữ. Sự bất bình đẳng này đã chi phối việc trao quyền cho phụ nữ dẫn đến  hạn chế vai trò của người phụ nữ  trong việc tham gia các hoạt động xã hội trong khi họ có rất nhiều tiềm năng.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tỉ lệ phụ nữ tham gia trong thị trường lao động khá cao, đạt trên 70%. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 31%. Các chỉ số về phát triển giới, khoảng cách giới đều đạt ở mức trung bình cao. 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, sự tham gia của phụ nữ về mặt quản lý và lãnh đạo các cấp vẫn còn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ thấp hơn nhiều so với nam giới. Lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%. Đặc biệt, lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro, tổn thương hơn trong kinh doanh.

Các nguyên nhân của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ những định kiến về giá trị, cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về ứng xử cũng như vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ và định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của phụ nữ.

Ảnh: sưu tầm

Chia sẻ về những thách thức của vấn đề bình đẳng giới, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hộicho rằng, vấn đề bất bình đẳng giới đang còn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, trong đó, khía cạnh vị thế của người phụ nữ còn nhiều hạn chế. Thực tế, sự tiến bộ về vị thế của người phụ nữ có phát triển nhưng chưa đạt được mục đích. Dù cơ hội nhiều nhưng vị thế và tiếng nói của người phụ nữ vẫn còn hạn chế ở không gian nhất định, ở trong quản lý kinh tế, xã hội. Nếu chúng ta không tháo gỡ được thực trạng này, hẳn việc thúc đẩy bình đẳng giới chắc chắn còn gian nan. 

Bà Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình & Giới – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Công nghệ Việt Namcho rằng “Làm sao để người phụ nữ cân bằng được giữa công việc và gia đình? Chúng ta vẫn nói rằng, gia đình là cái van an toàn của cả phụ nữ và nam giới. Nhưng làm thế nào để cân bằng cuộc sống, giảm bớt những chuẩn mực và định kiến của xã hội đối với phụ nữ? Làm thế nào để tạo môi trường làm việc thân thiện đối với phụ nữ hiện nay?”.

Không chỉ trong môi trường xã hội, định kiến giới còn tồn tại trong các mối quan hệ gia đình. Nó thể hiện ở cách cư xử mà đỉnh điểm là các hành vi bạo lực giới, ở sự phân công lao đông, ở tư tưởng trọng con trai, xem thường con gái. Người chồng tự cho mình là người có quyền hành cao nhất, chi phối mọi thành viên  trong gia đình, đặc biệt là người vợ. Việc phân công lao động cũng bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Cho rằng, việc của đàn bà, rửa bát, quét nhà, nuôi con, chợ búa…là những việc đàn ông không thể và không được động tay bởi đàn ông cần làm những việc lớn lao hơn.

Vì vậy, một lần nữa, gánh nặng định kiến lại đè lên vai người phụ nữ. Sự bất bình đẳng ấy đến nay vẫn còn tồn tại  và thậm chí còn nặng nề hơn bởi phụ nữ ngày nay, ngoài  công việc nội trợ họ còn phải lao động kiếm sống và tham gia các công việc xã hội. Theo thông báo chính thức của Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ, thời gian lao động của nữ thường cao hơn nam giới 3-4h/ngày. Khoảng thời gian vượt trội này chính là công việc nội trợ không tên và không được trả công. Sự phân chia bất hợp lý công việc nội trợ làm người vợ mệt mỏi, không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân, theo đuổi những sở thích và phát triển nghề nghiệp chuyên môn.

Hiện nay, mặc dù định kiến giới có phần bớt nặng nề hơn song vẫn chưa thoát khỏi những quan niệm đã tồn tại từ thời phong kiến. Đó là đặc quyền vẫn nghiêng về phía nam giới và người phụ nữ vẫn bị yếu thế. Theo đó,  tạo áp lực cho cả hai giới đối với việc thực hiện vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong cuộc sống, đồng thời là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Tiến trình đi tới mục tiêu  bình đẳng giới sẽ rất khó khăn nếu như vẫn tồn tại rào cản định kiến giới.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát với đối tượng. Các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để triển khai các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế; triển khai thí điểm một số mô hình hỗ trợ nạn nhân của bạo lực; tích cực truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. 

Mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Xóa bỏ định kiến giới, thực hiện bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong tiến trình thực hiện mục tiêu nhân văn, cao cả đó - mục tiêu mà mỗi một người dân Việt Nam đều khát khao, mong đợi và đang hết mình cống hiến.

Tại Quảng Ninh, trong những năm vừa qua tỉnh cũng đã có những chủ trương, hoạt động cụ thể trong việc triển khai nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ những định kiến giới. Năm 2019, trên đà hội nhập và phát triển, với những kết quả đáng ghi nhận trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, Quảng Ninh vinh dự là địa phương được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn làm địa bàn triển khai Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em”. Trên cơ sở nguồn lực sẵn có, kết hợp với các dịch vụ xã hội đang được cung cấp tại Trung tâm Công tác xã hội, dự án được triển khai tại Quảng Ninh sẽ là địa chỉ tin cậy, hỗ trợ cho những nạn nhân bị bạo lực giới nói riêng và lan tỏa tới cộng đồng nói chung, góp phần xóa bỏ định kiến giới hiệu quả và bền vững.

Trần Thanh Ngân HàTrung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh

Tin liên quan
Báo động tình trạng bạo lực tinh thần với phụ nữ
Kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
Làm thế nào để gần gũi với người khuyết tật?
Hội thảo tham vấn, xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam
Hội nghị công bố quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm Công tác Xã hội Quảng Ninh và ra mắt mô hình hoạt động dịch vụ
Chính sách và giải pháp việc làm cho lao động là người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Chung tay phòng chống bạo lực gia đình
Phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội
Vai trò của Công tác xã hội trong hoạt động hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Tư vấn, lồng ghép truyền thông về dịch vụ Công tác xã hội cho người nghi tham gia bán dâm, người bán dâm tại cộng đồng
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ